Nhớ về Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Gần 40 năm qua bài hát “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931 - 2013) vẫn luôn ngân vang đầm ấm yêu thương trong từng mái nhà ngõ phố Hà Nội. Đâu đó lại vang lên câu hát: “Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội” đầy hoài niệm. Một thời gian dài giai điệu bài hát nồng nàn tình cảm này đã được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lấy làm nhạc hiệu. Giọng hát ngọt ngào của ca sĩ Hồng Nhung luôn vang lên trong từng ngôi nhà, đường phố. Bài hát có tới bốn lời ca tạo nên bức tranh sống động trải qua bao năm tháng với tình cảm dịu dàng thương mến.

Hoàng Hiệp (tên chính Lưu Trần Nghiệp) là một nhạc sĩ miền Nam tập kết ra Bắc (1954) và được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội. Cuộc đời ông gắn bó với Hà Nội hơn 20 năm cho đến ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975). Hà Nội là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn thi ca của Hoàng Hiệp. Chính vì thế nỗi nhớ của nhạc sĩ thật bình dị và sâu sắc với những gì mình gắn bó: “Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du/ Những đêm hoa sữa thơm nồng”. Và còn nữa đó là nỗi nhớ những hình ảnh thân quen: “Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya/ Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…”. Đặc biệt nỗi nhớ về cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội chiến đấu và chiến thắng giặc không quân Mỹ. Nỗi nhớ thật nóng bỏng theo năm tháng: “Ôi! Nhớ Thủ đô năm ấy/ Ta đánh giặc trên mâm pháo/ Truyền thống cha ông gìn giữ non sông/ Là thuở Thăng Long vẫn mang trong lòng/ Hà Nội ơi!...”.

Ca sĩ Hồng Nhung được xem là người thể hiện ca khúc “Nhớ về Hà Nội” thành công nhất

Ca sĩ Hồng Nhung được xem là người thể hiện ca khúc “Nhớ về Hà Nội” thành công nhất

Đồng thời Hà Nội cũng đem đến cho ông tình yêu và hạnh phúc. Ông đã cưới một người con gái Hà Nội. Hai người đã chung sống hạnh phúc cho đến cuối đời. Biết bao ký ức về tình yêu cũng được cất lên trong bài ca. Những hình ảnh thật ấm áp và thân quen: “Nhớ những cơn mưa dài cuối đông/ Áo chăn chưa ấm thân mình/ Và nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh/ Đất rung ngói tan gạch nát/ Em vẫn đạp xe ra phố…”.

Những nỗi nhớ khôn nguôi về những ngày tháng hạnh phúc trong chiến tranh đã đem lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhạc sĩ. Khi đi xa Hà Nội tình yêu và nỗi nhớ ấy luôn dâng trào mỗi khi ký ức tràn về. Và đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-1984) nhạc sĩ đã trao gửi tấm lòng “Nhớ về Hà Nội” từ phương Nam xa xôi. Lời ca và giai điệu âm nhạc chính là tình cảm của ông cùng với người vợ luôn văng vẳng bên tai: “Ôi! Nhớ chiều ba mươi Tết/ Chen giữa đào hoa tươi thắm/ Đường phố đông vui chờ đón tân niên là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người/ Hà Nội ơi!”.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp bên hồ Gươm (Hà Nội)

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp bên hồ Gươm (Hà Nội)

Bài hát “Nhớ về Hà Nội” có nét khái quát hình ảnh Thủ đô lịch sử với hồn thiêng sông núi. Những con phố đều gắn liền với quá khứ hào hùng và cuộc sống hiện tại: “Ôi nhớ/ Hồ Gươm xanh thắm/ Nơi tháp Rùa nghiêng soi bóng/ Thành cũ Thăng Long/ Hồn nước non thiêng/ Còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng/ Hà Nội ơi!”.

Chính vì thế bài hát “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã trở thành nỗi nhớ chung của những người con Hà Nội ở phương xa. Đồng thời bài hát luôn gắn bó với những người Hà Nội cùng bao ký ức yêu dấu và đẫm tràn nước mắt của tình yêu thương. Điều này có giá trị vượt lên của tác phẩm. Chính vì thế bài hát là một trong những tác phẩm âm nhạc mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật (năm 2000).