Tản mạn Tết Hà Nội

Nhớ Tết xưa ngậm ngùi...

ANTĐ - Ngày cuối năm bỗng dưng nhớ cụ Tô Hoài, hai cái Tết rồi cụ phiêu diêu theo dế mèn bỏ lại nhớ thương cho nhiều thế hệ độc giả. Nhớ cụ Tô Hoài là vì cụ viết quá hay về “Chuyện cũ Hà Nội”, trong ấy có những cái Tết nghèo, nhưng phong tục Tết vẫn được giữ gìn. 

Nhớ Tết xưa ngậm ngùi... ảnh 1Chợ hoa đào

Đọc lại “Chuyện cũ Hà Nội” thấy cuộc sống ngày trước thương khó xác xơ dưới thời thực dân phong kiến và so sánh với cuộc sống hôm nay, lòng không khỏi có chút ngậm ngùi về thuở chưa xa… Đọc lại “Những ngày áp Tết”, tuy chỉ viết xung quanh chợ Bưởi vùng Nghĩa Đô, nhưng ta hiểu thêm đời sống khốn khó, cơ hàn của một thời cũ. “… chợ Bưởi có thêm 3 phiên chợ Tết: 19, 24, 29. Năm nào 29 bắt làm 30 Tết, chợ càng đông và tất bật. Phiên chợ Tết nào cũng là phiên chợ trâu bò. Bởi vì cả năm chỉ có đến chợ Tết, các làng trong vùng mới đem trâu bò ra chợ bán… Chợ 29 là chợ của người nghèo. Nhà nghèo chạy tiền bở hơi tai cho đến mấy hôm ấy mới mò được ra chợ, mua miếng thịt lợn, nén hương gọi là Tết nhất… Vẫn nhớ những phiên chợ Tết Bưởi như vậy. Thế nào tôi cũng có bánh pháo tép bằng gang tay. Chốc chốc lại ra thùng hàng cụ Lựu mua miếng khế khô tẩm mật gừng. Thế nào u tôi cũng sắm cho đôi guốc. Và tất nhiên cái đầu tôi được cạo trọc lóc, đầu mới ăn Tết”. 

Tết, đó là ngày của đoàn tụ, ngày vui nhất của bao người, nhưng dù cuộc sống cơ cực lam lũ, mọi người vẫn có Tết theo cách của mình.  Một trong những chi tiết tả cái nghèo đói đến mức chỉ cần mua được “miếng thịt lợn, nén hương” thế là có Tết. Rồi Tết  của trẻ thơ mới thương làm sao, “miếng khế khô tẩm mật gừng”, “đôi guốc mộc mới”... 

Tô Hoài đã sống qua tuổi thơ như thế. Ông là nhân chứng đặc biệt của một thời chưa xa. Bây giờ đã bảy chục năm, sau cách mạng mùa Thu, Hà Nội đã hoàn toàn lột xác. Phố phường lung linh hiện đại, cao ốc lên tận trời xanh, ăn Tết ở trên cao ngắm mây vờn và gió mưa ở phía dưới. Nhớ một thời Hà Nội đi qua tiêu thổ kháng chiến 9 năm, rồi hòa bình xong, chưa kịp bắt tay xây dựng lại thành phố đã phải gồng mình cùng cả nước hướng ra tiền tuyến chống Mỹ. Rồi chiến tranh phá hoại, “Thủ đô ngói tan gách nát”… Chao ôi, thế mà người Hà Nội bản lĩnh, tài hoa đã kịp làm lại tất cả, sắp xếp lại thành phố, làm giàu, làm đẹp cho thành phố của mình…

Nhớ Tết xưa ngậm ngùi... ảnh 2Gói bánh chưng đón Tết

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng trong cái chớp mắt lịch sử 30 năm cùng đất nước đổi mới, Hà Nội đang có những mùa Xuân kỳ diệu. Sáng nay ra chợ hoa Hàng Lược, hay khắp mọi nẻo đường đã thấy tràn ngập hoa đào. Dọc theo phố phường đã thấy tấp nập người đi sắm Tết, nam thanh nữ tú mặt cười như hoa. Tết bây giờ người ta không chỉ sắm “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” mà nhàn nhã hơn, chỉ cần ghé các siêu thị khuân đồ Tết, gọi taxi về nhà. Nhà bình dân thì có hàng hóa bày ngay đầu ngõ, tha hồ mua sắm tiện và nhàn… Tục gói bánh chưng bây giờ không còn phổ biến trong các gia đình. Cả chuyện nhà nhà mổ lợn, gói giò cũng xưa rồi. Các làng ngoại thành vẫn được nếp cũ, tuy phong tục Tết có cải tiến nhiều. Cuộc sống đổi thay nhưng phong tục Tết, văn hóa Tết thì vẫn giữ. Đó là thứ di sản cần bảo tồn. Tết là sự kiện thường niên không thể bỏ, dẫu qua thời gian có thêm những nét mới, văn minh, nhân ái hơn… 

Giữa niềm vui đón Tết hôm nay, nhớ chuyện cũ chưa xa lòng ngậm ngùi thương những cái Tết Hà Nội xưa.