Nho sạch Ba Mọi trên đất Tháp Chàm

ANTĐ - 1. Dù lần đầu đặt chân đến vùng đất Phan Rang - Ninh Thuận, đường đi lối lại lạ lẫm nhưng tôi không mất nhiều thời gian để tìm đến  vườn nho của ông nông dân Ba Mọi. Bất kỳ người dân Phan Rang nào cũng biết tiếng ông. Từ cầu Móng trên sông Dinh nhìn xuống, trang trại Ba Mọi trải dài, xanh mướt, điệp trùng nho. 

Ông Nguyễn Văn Mọi giới thiệu với khách về kỹ thuật trồng nho

Chúng tôi tới trang trại của ông vào giữa trưa. Cả gia đình ông đang quây quần bên mâm cơm. Thấy bóng khách, ông vội buông đũa bát, chạy ra đón. Nếu không được một đồng nghiệp ở báo Ninh Thuận giới thiệu trước hẳn tôi không thể nào mường tượng được đây chính là người góp phần xây dựng thương hiệu nho mà đi đến đâu trên đất Ninh Thuận cũng được nghe kể. Đầu trần, chân đất, dáng người cao to, nước da đen sạm vì nắng… ông Ba Mọi dẫn khách đi khắp vườn nho, vừa đi vừa giải thích cặn kẽ, từ khâu chọn giống, rồi điều kiện chăm sóc cho đến bảo quản nho thành phẩm… Cách ông giới thiệu về nho tỉ mỉ như một kỹ sư nông nghiệp nhưng cũng không kém phần hấp dẫn như một hướng dẫn viên du lịch dày dạn kinh nghiệm. Dạo trong vườn nho rộng mênh mông, trái chín lúc lỉu, khách thích thú, vừa hóng chuyện, vừa hái nho ăn. Trên khoảnh sân rộng, từ lúc nào vợ ông đã bày sẵn một “bàn tiệc” nào rượu vang, siro, táo, chuối khô để khách có thể tự nhiên thưởng thức. Lâu nay, không chỉ kết hợp trồng trọt, sản xuất nho theo tiêu chuẩn an toàn, mà trang trại Ba Mọi còn mở theo hướng du lịch nhà vườn sinh thái. Ngoài ra, sinh viên Nông- Lâm thuộc các trường đại học ở Huế, Cần Thơ, TP.HCM... hàng năm đều về đây thực tập. Vườn nho của ông cũng là cơ sở cho nhiều người làm thực nghiệm, hoàn tất đề tài nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ.

2. Gần 100 năm về trước, nho đã được người Pháp đem trồng thử nghiệm trên đất Ninh Thuận. Khí hậu thổ nhưỡng của vùng đất “nắng như Phan gió như Rang” hóa ra lại thích hợp với loại cây trồng vốn được mệnh danh “tiểu thư đỏng đảnh”. Thời hoàng kim của nho Ninh Thuận bắt đầu từ cuối những năm 1980. Nho được trồng chủ yếu là giống nho đỏ (Red Cardinal) tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải và thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. Khi đó sản lượng nho của Ninh Thuận gần như đủ cung ứng cho thị trường trong nước. Đến khoảng năm 2000, cây nho Ninh Thuận bắt đầu suy thoái, “tụt dốc không phanh” bởi hiệu quả kinh tế kém, và đặc biệt là không đủ sức cạnh tranh với một số loại nho nhập khẩu. Những hộ gia đình vốn xưa nay bám đất, bám vườn đành ngậm ngùi chặt bỏ những vườn nho, thay vào đó là những loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước thực trạng đáng buồn trên, ông Ba Mọi không chịu khoanh tay bất lực đứng nhìn, mà nung nấu khát vọng, mở một hướng mới cho cây nho. Thế rồi, với sự giúp đỡ về giống, cùng phương pháp trồng mới của Trung tâm nghiên cứu cây bông Nha Hố, ông Ba Mọi được lựa chọn là người đầu tiên áp dụng mô hình khảo nghiệm “dùng phân hữu cơ sinh học trên cây nho”. Mục đích của mô hình này là tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cung cấp cho thị trường. Ông kể lại: “Hồi đó, tui vừa làm vừa run, bởi chả ai dám bỏ tiền tỷ ra làm thí nghiệm, trong khi cơ hội thành công thì… không thấy đâu”. Người thân đổ xô vào khuyên can nhưng cũng không làm ông thay đổi quyết định. Cả 1.000m2 nho xanh đang chuẩn bị cắt cành  thu hoạch được ông đưa vào thử nghiệm. Giã biệt thuốc trừ sâu cùng cả chục loại phân bón hóa học lâu nay người trồng nho vẫn dùng, ông chỉ sử dụng chế phẩm sinh học cho cây nho và tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của các cán bộ nông nghiệp. Mấy tháng trời phập phồng lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên, thế rồi ngay từ mùa đầu tiên cây nho không phụ công ông khi đã đơm trái ngọt.  “Làm miết đến năm 2007 thì bắt đầu có chương trình canh tác VietGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt), tui theo luôn và đến năm 2010 được cấp chứng nhận. Nói cho văn hoa một chút thì con đường tui đi 10 năm trời mới lấy được chứng nhận đó” - ông cười sảng khoái. 

Vườn nho luôn là điểm dừng chân của du khách mỗi khi đến với Phan Rang - Tháp Chàm

3. Hiện tại, diện tích trồng nho trên toàn tỉnh Ninh Thuận xấp xỉ 800ha mỗi năm thu về khoảng 40.000 tấn nho. Riêng trang trại Nho Ba Mọi diện tích 1,5ha, trong đó phân nửa ông dành để trồng các giống nho sản xuất rượu vang. Ông Ba Mọi cho biết, với sản lượng như vậy không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường nho tươi, chứ chưa nói đến nguồn nguyên liệu sản xuất rượu nho. Năm 2004, chỉ với suy nghĩ đơn giản, đưa sản phẩm ra thị trường, và làm sao để người tiêu dùng biết đây là sản phẩm được trồng theo hướng an toàn và thân thiện với môi trường. Ấy thế là ông mang thương hiệu “Nho Ba Mọi” đăng ký độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. Một ông nông dân chính hiệu, đang yên đang lành lại “giở chứng” đòi đăng ký thương hiệu độc quyền đã trở thành chuyện bàn ra tán vào của không ít người.  

4. Con ông, một trai, một gái đều được ông cho theo học các trường đại học chuyên ngành về kinh tế. Ông bảo, đời ông vì mẹ góa con côi, ông không được ăn học đàng hoàng, thì giờ con cái sẽ tiếp tục sự nghiệp đưa các sản phẩm nho Ninh Thuận đến tận tay người tiêu dùng. Cậu con trai ông đang học ở TP.HCM mấy năm trước đã giúp ông đưa Nho Ba Mọi đến với một số hệ thống siêu thị ở thành phố này. Mấy năm gần đây, ông bắt tay đầu tư quy trình sản xuất rượu vang nho và nước ép nho. Khách đến tham quan được ông giới thiệu cặn kẽ, dẫn đi thăm hầm rượu, rồi trò chuyện, thăm dò: “Uống thấy thế nào?”, “Có được không?”. Những góp ý của khách được ông ghi chép lại trong một cuốn sổ nhỏ, được ông gọi là “Cẩm nang ý tưởng”.  Xưởng chế biến rượu nho của ông có công suất 50.000 chai/năm, nhưng hiện tại mới chỉ dừng lại ở 15.000 chai, vì không đủ nguyên liệu. 60 tuổi, 30 năm gắn bó với nghề trồng nho, hỏi ông còn gì nuối tiếc, ông cười và bảo, ngẫm lại thì con đường mà ông đang đi chẳng có điều gì cần phải tiếc nuối, nhưng nhiều khi ông thấy mình lẻ loi và cô độc. Lẻ loi là bởi, ông mong có nhiều người nông dân Ninh Thuận cùng song hành với ông trên con đường này. Mong có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia giúp sức thì mới có ngày trái nho và các sản phẩm từ nho của Việt Nam sẽ tiến xa hơn trên con đường chinh phục thế giới.