Nhớ Pha Đin

ANTĐ - Pha Đin ơi, có còn không cái danh đệ nhất trong “Tứ đại đỉnh đèo”, có còn không cung đường sương giăng mây phủ, những bồng bềnh mây lùa vào tay lái và cả những khúc cua gấp đến rợn người, dấu bóng dáng “tử thần” sau nét đẹp hoang sơ bên cú đánh lái giật mình.

Núi trùng điệp - nhìn từ đỉnh Pha Đin

Chỉ vài năm về trước, Pha Đin vẫn còn là đỉnh cao khó chinh phục nhất của mọi tay lái trên khắp Việt Nam. Nhớ một lần dừng chân nơi quán nhỏ chân đèo, anh chủ quán sau khi pha cho khách cốc trà gừng nóng, thấy tôi “một mình một ngựa” lang thang nên kéo ghế ngồi hỏi chuyện. Sau vài câu chào hỏi, anh chủ quán vốn là một lái xe tranh thủ lúc rảnh phụ vợ bán hàng, nghĩ tôi lần đầu qua đây mới tươi cười khuyên tôi không nên qua đèo khi đã muộn, vì lý do “Nhiều lái xe ở dưới xuôi lên chỉ cần nhìn thấy trên đỉnh đèo mây phủ là đã không muốn lên rồi, nhiều người phải dừng xe, thuê lái xe địa phương lái hộ qua đèo”. Cũng bởi vậy mà những lúc không phải chạy xe hàng, ở nhà phụ vợ, thỉnh thoảng anh lại có thêm công việc là giúp các lái xe dưới xuôi lái xe qua đỉnh Pha Đin. 

Nhớ cái cảm giác khi vừa đánh lái qua một khúc cua tay áo chỉ dài không quá một thân xe tải, giật mình khi lộ ra bất chợt dưới lớp sương dày đặc cả một đàn gần chục con trâu nối đuôi nhau hàng một, cậu bé chăn trâu cầm chiếc ô ngồi chễm chệ lưng trâu cười tươi tắn khi thấy lái xe giật mình. Có lẽ với cậu bé, những pha giật mình của lái xe như vậy đã quá quen rồi.

Nhớ cái cảm giác những hôm trời quang nắng, đứng trên đỉnh đèo phóng mắt bao quát cả một dải non sông hùng vĩ, mây núi trùng điệp. Xa ngút tầm mắt là những bản làng nhỏ, bảng lảng khói lam chiều vơ vẩn, lốc cốc mõ trâu văng vẳng xa xăm.

“Chợ mà không phải chợ” - hình ảnh quen thuộc trên đỉnh đèo

Nhớ những góc “chợ mà không hẳn chợ” chỉ 1-2 người bán rau rừng hay một vài miếng thịt, vài loại quả rừng nằm chơ vơ nơi đoạn đường ngang lưng đèo vắng, vài người phụ nữ Mông, Dao… ngồi trông hàng trong lúc tay vẫn khâu hoa lên áo, trong cái lạnh cắt da ở độ cao tới gần 2.000m, cứ thấy có khách đi ngang lại vẫy tay chào, cho dù khách có dừng lại hay không.

Pha Đin giờ đã thấp. Đi trên đường không ai còn có cảm giác qua đèo. Cũng không còn những khúc cua tay áo mù sương, không còn những chợ hàng nhỏ xíu. Qua đèo Pha Đin không còn cái cảm giác bồng bềnh, phiêu phiêu chờn chợn sợ con đường. Cũng không có những quãng nghỉ bát ngát giữa lưng trời, bao la trập trùng trời xanh núi thẳm. 

Một chiều xe qua đèo Pha Đin vùn vụt, bởi con đường giờ rộng bốn làn xe phẳng phiu, nhẵn nhụi. Chợt nhớ con đèo xưa cheo leo nguy hiểm xen lẫn cảm xúc lãng mạn bồng bềnh.