Kỷ niệm 67 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9(1945-2012):

Nhớ những ngày sục sôi khí thế cách mạng

ANTĐ -  Anh Quản Xuân Hùng, con trai Liệt sỹ Quản Xuân Nam, hiện ở khu tập thể TrungTự đã cho tôi xem những kỷ vật của cha mẹ anh. Bức ảnh cha anh đã ố vàng và thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 8-6-1997 mừng thọ bà Phạm Thị Vân, mẹ anh đã khiến tôi xúc động với  những dòng trân trọng đầy tình nghĩa: “Mừng thọ chị 80 tuổi. Chúc chị khoẻ mạnh, sống lâu, gia đình hạnh phúc. 
Nhớ những ngày sục sôi khí thế cách mạng ảnh 1
Cuộc mít tinh Tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội 17-8-1945
nổi bật lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn 
treo từ tầng 2 của Nhà hát làm nền cho lễ đài 

Từ dòng thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi luôn nhớ những ngày làm việc với anh Quản Xuân Nam. Chị và gia đình có thể tự hào đã có một người chồng, người cha, người ông đã hăng hái  làm việc vì dân, vì nước”. Tôi đã theo những dòng thư ấy đi tìm lại di cảo ông để lại và đóng góp của ông cho cách mạng. 

Ông sinh năm 1911 tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, tỉnh Bắc Ninh cũ (nay là tỉnh Hưng Yên), vùng đất của  nhiều danh nhân văn hoá và các nhà cách mạng nổi tiếng như Nguyễn Công Hoan, Tô Hiệu... 

Năm 1932, trên đất cảng Hải Phòng, ông  Quản Xuân Nam  đã tham gia hoạt động cách mạng. Sau đó, nhờ có sự dìu dắt của đồng chí Tô Hiệu, khi lên Hà Nội, ông xin được việc  làm, đánh máy ở Tòa thị chính,  hăng hái viết báo cổ động cho việc học chữ quốc ngữ  như “Un mal à combatttre d urgence: “Le Analphabétesme”; đăng trên báo Le Efffort số ra ngày 10-9-1937 và một số bài báo nữa cũng đăng  trên báo này chuẩn bị  cho việc  chống nạn mù chữ với bút danh X.N. Một cuốn sách nhỏ “Chống nạn thất học” đã được ông biên soạn lấy tên tác giả là Quản Xuân Hải. Bà Phạm Thị Vân (tức Trần Thị Hiền) người  đồng chí,  sau là bạn đời  của ông đã bỏ tiền túi ra để in cuốn sách này ở nhà in Lê Văn Tân  và phát hành rộng rãi ở  Hải Phòng, Hà Nội. 

Những con người yêu nước hội tụ

Đầu năm 1938,  đồng chí  Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt cử ông Phan Thanh đến mời ông Nguyễn Văn Tố đứng ra thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ… Buổi họp  đầu tiên diễn ra tại nhà ông Phan Thanh, đã bầu ra Ban Trị sự lâm thời: Ông Nguyễn Văn Tố là Hội trưởng, ông Bùi Kỷ là Phó hội trưởng, ông Phan Thanh là Thư ký, ông Quản Xuân Nam là Phó Thư ký, ông Võ Nguyên Giáp là Thủ quỹ.

Sau khi thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ, Ban Trị sự phân công các ủy viên phụ trách ban chuyên môn: ông Phan Thanh,Trưởng ban cổ động. Ông Võ Nguyên Giáp, Trưởng ban dạy học; ông Hoàng Xuân Hãn, Trưởng Ban tu thư; ông Quản Xuân Nam, Trưởng Ban khánh tiết chuyên lo kinh phí, trường lớp cho Hội hoạt động.

Ông đã kêu gọi các nhà hằng tâm hằng sản giúp Hội, tổ chức các buổi chiếu phim bán vé lấy tiền. Năm 1939, ông Phan Thanh mất, ông Quản Xuân Nam đảm nhiệm công việc Phó Hội trưởng kiêm Trưởng Ban khánh tiết của Hội. 

Những năm 1940-1944, mặc dù thực dân Pháp khủng bố khốc liệt, nhiều thanh niên học sinh vẫn tích cực đi truyền bá quốc ngữ khắp nội ngoại thành. Đặc biệt một số trường đã mở được thư viện. Gian nhà nhỏ của vợ chồng ông thuê, khi thì ở 63 Hà Trung, khi lại dọn xuống 80bis chợ Đuổi  là nơi đi về, hội họp của ông Hoàng Minh Giám, Lê Thị Xuyến, Nguyễn Hữu Đang, Trần Kim Xuyến, Dương Đức Hiền, Nguyễn  Huy Tưởng, Nguyên Hồng…

Cuộc đời bão táp

Từ hoạt động trong Hội truyền bá quốc ngữ, ông Quản Xuân Nam đã bí mật chuyển sang hoạt động trong Mặt trận Việt Minh. Cuối năm 1944, các tổ Việt Minh đã phát triển  ở nhà in Tô - Panh, Minh Sang, Tin mới… Ở Tòa thị chính, nơi ông Quản Xuân Nam làm việc, tổ Việt Minh gồm các ông Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Quang, Phạm Văn Trừng có liên lạc với ông Tâm (Rỗ) là cơ sở Việt Minh trong Tòa Thống sứ. 

Để chuẩn bị cho cuộc mít tinh phản đối chính quyền tay sai bù nhìn chiều 17-8-1945, ông Quản Xuân Nam giao cho ông Phạm Văn Trừng, người quản lý Nhà Hát lớn mở khóa cho ông Trần Lâm lên gác hai để ông Lâm thả lá cờ lớn từ ban công xuống trước tiền sảnh nhà hát trước hàng vạn đồng bào đang trào dâng khí thế cách mạng. Ông Nguyễn Dực, phụ trách loa đài, micrô đã chuẩn bị chu đáo cho đại biểu Việt Minh lên diễn thuyết. 

Cách  mạng thành công, ông  cùng anh em trong Ban khánh tiết của Uỷ ban nhân dân thành phố lên trang trí trên quảng trường Ba Đình cho Lễ Độc Lập 2-9-1945.

Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến bắt đầu và ông được cử làm Trưởng ban tản cư di cư trung ương, sau đó kiêm Tổng thư ký Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc. Hàng vạn tấn máy móc, trang thiết bị từ Hà Nội chở  lên Việt Bắc an toàn, có sự đóng góp tích cực của ông.Trên núi đồi của chiến khu đã mọc lên nhà máy gạch, nhà máy giấy, trại sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Giữa lúc đó, Pháp oanh tạc xã Phú Minh (Thái Nguyên), ông và hai đồng chí nữa đã hi sinh ngay trong lửa bom đạn mù mịt.

Thương tiếc ông, những hợp tác xã, nhà máy do ông gây dựng nên đã mang tên ông. Ngày nay, mộ ông và hai đồng chí cùng hi sinh nằm trong nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Minh. Người cán bộ của Đảng từ thời Mặt trận dân chủ, đem ánh  sáng văn hoá cho bao người dân lao động nghèo khổ đã góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc mít tinh 17-8-1945 - ngày người Hà Nội đã xông lên đoạt trời, giành tự do, độc lập.

Tin cùng chuyên mục