Nhớ một thời làm báo

ANTĐ - Những năm giữa thập kỉ 80 của thế kỉ 20 tôi vào độ tuổi trên 30, đã quật quã trong làng báo dư một thập kỉ nên có thể xem là đang sung sức và ít nhiều có kinh nghiệm viết lách. Dạo đó hàng loạt nhà báo đàn anh, đàn chị và cả bạn bè cùng trang lứa làm ở các tòa báo như Ngô Hữu (sau đổi thành Ngô Tất Hữu để giống với người bác họ là nhà văn Ngô Tất Tố nổi tiếng), Nguyễn Trọng Tân, Lý Thị Trung… 

Nhà văn Nguyễn Hiếu (áo đen) - cây bút tích cực của làng báo

Ngày đó trừ vài phóng viên ảnh tháo vát đỡ đỡ một tí còn hầu hết đời sống cánh nhà báo đều vất vả. Trong các nhà báo tôi biết dạo đó chỉ duy nhất phóng viên ảnh Vũ Hanh TTXVN có xe máy Xpác. Nhìn ông đèo túi máy ảnh sau yên xe, phóng vù vù đến tác nghiệp mà thèm. Còn phóng viên ảnh Báo Hà Nội mới lừng danh Trần Châu thì chuyên mặc quần soóc và rất giỏi chụp ảnh không đèn.

Cánh phóng viên viết lách thì làm đủ thứ nghề từ việc xin cho vợ dán thêm hộp giấy đến nuôi lợn. Phóng viên TTXVN đàn anh Trần Đình Thảo thì vài tháng lại khoe bán được lứa lợn và nhận thêm được xuất cắt quai dép nhựa. Nhưng về mặt bút lực của ông thì đàn em như tôi luôn kính nể. Trong cuộc họp sau khi lấy tài liệu (hồi đó không có phong bì) xong thì ông rút trong cặp ra liền một lúc ba bài báo. Có bài mới có dòng tít kiểu “pháo đài thời bình” viết về công trường dựng bồn nước ở khu tập thể Kim Liên. Bài thứ hai tôi nhìn thấy mới được hai dòng nhan đề “tấm thảm làm ấm tình người” viết về HTX dệt thảm Đống Đa dạo đó là điển hình thủ công nghiệp thành phố với chủ nhiệm Vượng nổi tiếng thuộc dòng họ Phạm Gia lừng danh làng Vẽ. Viết bài nào bí ông lại xoay ra bài khác. Bắt chước đàn anh tôi lăn ra viết kiếm thêm. Thời gian đó tôi viết đủ mọi thể loại từ cái tin đến truyện ngắn, thơ cho hầu hết báo, đài ở Hà Nội và cả TP.HCM. Tôi còn nhớ nhuận bút một tin cho đài Phát thanh Hà Nội là 2 đồng, của báo Hà Nội mới là ba đồng (đủ mua cân thịt lợn ngon giá ngoài. Giá này gấp đôi giá thịt lợn bán theo tem phiếu). 

Nói về Báo An ninh Thủ đô (ANTĐ), theo trí nhớ của tôi thoạt đầu tiên là tờ tin nội bộ của Sở Công an Hà Nội. Trụ sở ở phòng ngách cạnh sở CA Hà Nội bây giờ. Sau khi thành tờ báo có môn bài đàng hoàng và gia nhập vào làng báo chuyên nghiệp của Thủ đô thì ANTĐ phát triển khá mạnh và chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành tờ báo vào loại ăn khách thời đó. Lúc này để phù hợp với sự phát triển Báo ANTĐ chuyển lên số 2 Hàng Giấy. Có nhiều nguyên nhân cắt nghĩa về hiện tượng này nhưng từ góc độ của một người làm báo chuyên nghiệp tôi cho rằng Báo ANTĐ giai đoạn đó và cả sau này hút được khách ngoài sự nhanh nhạy trong phản ảnh sự kiện an ninh đặc thù của Thủ đô thì chất lượng các chuyên mục là nhân tố không thể thiếu được. Trong đó có thể nói “Chuyện trong mỗi nhà” đã trở thành chuyên mục đặc thù và thương hiệu của tờ báo này. 

Khi tôi bắt tay vào cộng tác thì ANTĐ đã chuyển tòa soạn từ Trần Hưng Đạo lên số 2 Hàng Giấy. Năm 1984 tập hài “Chuyện cái vòi nước”- tác phẩm văn học đầu tiên của tôi ra đời, ngay lập tức Báo ANTĐ có bài đánh giá của nhà phê bình Lê Quang Trang. Chính vì thế nên khi nhận lời viết cho “Chuyện trong mỗi nhà” tôi chủ định đi theo con đường riêng tạo cho mỗi câu chuyện là một truyện ngắn nhỏ mang chất hài từ ngôn ngữ đến cốt truyện, cách xây dựng nhân vật.

Hồi đó cộng tác viên viết cho “Chuyện trong mỗi nhà” nếu tôi không lầm chỉ có nhà văn đàn anh Phong Thu với giọng trữ tình, suy tư, Tuấn Vinh đầy ắp tư liệu an ninh do là cộng tác viên lâu năm của sở, tôi ngiêng về hài và thi thoảng có thêm Phạm Ngọc Tiến (sau này thành nhà biên kịch phim truyền hình nổi danh với hàng loạt phim về nông thôn trong đó có “Ma làng”). Có dễ đến bốn năm năm tôi mải miết và gần như đắm mình trong “Chuyện trong mỗi nhà “đến độ cứ viết xong cái này lại hình thành, bật ra ý tưởng khác. Viết hăng say, mê mải như thế nhưng vất nhất là khâu gửi bài. Vì dạo đó e-mail chưa ra đời. Xe máy lại cực hiếm. Viết xong bài nào lại kẽo kẹt đạp xe đến tòa soạn nộp bài. Tuy làm ở Đài TNVN mà tôi trở thành người nhà của Báo ANTĐ. Tuần nào ít thì một, nhiều thì hai ba lần có mặt ở tòa soạn, thân thuộc từ “em” Lê, “em” Thủy, “chú” Huân trị sự, phóng viên Hoàng Trâm, Trọng Nghĩa, họa sĩ Mai Thế Hưng, Phó tổng Khải “mù”… Không phải ngẫu nhiên sau khi tôi định hình phong cách “tiểu phẩm hay có thể gọi là truyện ngắn mi ni hài trong “Chuyện trong mỗi nhà” đã tạo ra tiếng vang nhất định đến độ nhà văn Đắc Trung biên tập viên NXB Thanh Niên hồi đó đã mời tôi thực hiện một chuỗi tập truyện ngắn hài. Tôi đã làm đề cương nhưng vì nhiều lý do nên chuỗi tập hài ấy chỉ ra được một cuốn là tập truyện ngắn hài “Cười dành cho tất cả” mang nhãn NXB Thanh Niên vào năm 1991 nhưng lại là một tập hợp của tất cả những câu chuyện đã in trong chuyên mục “Chuyện trong mỗi nhà” của An ninh Thủ đô. 

Nhớ lại một thời đeo đẳng mê say cùng  “Chuyện trong mỗi nhà” như nhớ đến kỉ niệm đẹp của một thời làm báo vất vả nhưng đầy niềm vui. Và cũng cần nói thêm cũng nhờ viết chuyên mục nổi tiếng này vào giai đoạn tôi mới cầm bút viết văn, mà khi đọc lại sách của mình chợt nhận ra rằng nếu các tác phẩm văn chương của tôi có chút hoạt, chút hài… thì cũng là một phần nhờ sự tôi luyện trong “lò” khi tôi làm cộng tác viên ruột của “Chuyện trong mỗi nhà” ở Báo ANTĐ.