Nhỏ lẻ thì dễ “bẻ”

ANTĐ - Từ năm 2015, thuế suất hàng hóa giữa các nước ASEAN sẽ được bãi bỏ 100%. Khi đó, không chỉ hàng Thái Lan mà hàng hóa các nước có thêm điều kiện thâm nhập vào nước ta, góp phần loại bỏ hàng hóa kém chất lượng, hàng nhập lậu của Trung Quốc. Người tiêu dùng sẽ có điều kiện lựa chọn, mua sắm hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả cạnh tranh. Song, doanh nghiệp trong nước cũng sẽ gặp khó khăn hơn, nguy cơ mất thị trường đã và sẽ trở nên gay gắt hơn.

Trong bối cảnh nước ta đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015, hàng hóa nước ngoài với thuế suất giảm mạnh sẽ tràn ngập thị trường. Nếu hàng hóa nhập khẩu lại được “tiếp tay” bằng hệ thống bán lẻ cũng của các tập đoàn, công ty lớn nước ngoài, thì sản xuất kinh doanh trong nước sẽ bị thua thiệt gấp hai lần.

Theo nhận định của giới chuyên gia thị trường, khu vực kinh tế phi chính thức, tức là kinh tế cá thể, hộ gia đình vẫn đang chiếm một tỷ trọng lớn, trong đó hoạt động bán lẻ sôi động nhất. Với hệ thống bán lẻ có vốn nước ngoài hùng mạnh, chiếm lĩnh những vị trí đắc địa ở các đô thị lớn, kênh phân phối truyền thống sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Đơn cử, một chuỗi siêu thị nước ngoài “bạo vì tiền” tổ chức tốt mọi khâu sẽ tuyển dụng được 1.000 người làm công việc trước đây của 10.000 người. Chính vì vậy, dù mở rộng cửa, song nhiều nước chỉ mở cửa hẹp thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Sau WTO, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước láng giềng ASEAN vẫn duy trì nhiều rào cản, hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ. Chẳng hạn, Malaysia buộc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài phải dành 30% cổ phần cho người trong nước. Indonesia quy định các tập đoàn ngoại không được mở quá 150 cửa hàng bán lẻ. Hàn Quốc tìm mọi cách hạn chế sự bành trướng của các chuỗi siêu thị lớn nhằm bảo vệ các nhà bán lẻ nội địa và chợ truyền thống. Trong khi đó, chính sách đối với các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam khá thông thoáng, tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ. 

Chắc chắn nước ta không thể thay đổi chính sách liên quan đến cam kết WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do. Khoảng trống cho chính sách hầu như không còn. Chỉ có thể trông mong vào sự liên kết, liên doanh chặt chẽ của doanh nghiệp trong nước. Làm ăn nhỏ lẻ, manh mún ngay trên sân nhà sẽ dễ bị “bẻ gãy”, chưa nói tới cạnh tranh, giành thị phần với các đại gia bán lẻ nước ngoài.