Nhớ khói

ANTĐ - Lâu lắm rồi không được ngửi mùi khói bếp. Ngọn khói màu xanh, nhẹ bẫng như tơ, quẩn trên mái ngói.

Cái mái ngói cũ thật cũ, màu nâu thẫm, những búi cỏ đã mọc ở trên đó, mùa đông lụi đi, mùa xuân lại mọc lên. Ngọn khói len qua đầu hồi, vương vít mãi ở ngọn cây hồng nằm sát mái nhà, bị gió thổi cho loãng đi, tan đi. Nhưng cái mùi của khói thì vương vất mãi. Khói có mùi của những hạt ngô còn sót lại trên những lõi ngô khô bị đốt cháy, mùi của gộc củi gỗ dẻ, mùi của tinh dầu vỏ cam, mùi của vỏ cây sẹ bị tước dùng thay lạt hăng hăng như sa nhân...

Mùa đông ở rừng, suốt ngày lúc nào trong bếp cũng có một gộc củi. Gộc củi to, gỗ chắc, không cháy quá nhanh cũng không dễ tắt, cứ ngun ngún ở đó, trong cái góc bếp chật chội đầy bồ hóng, ấm cúng vô cùng. Sáng, đi ra đồng, lên rừng, người ra khỏi nhà sau cùng là người nhớ vén tro xung quanh bếp cho thật gọn, để gió bấc lùa qua khe vách đất không làm ngọn lửa ở gộc củi bùng lên. Cái gộc củi sẽ cứ nằm yên cả ngày, lặng lẽ ủ một tảng than hồng. Con mèo già ăn no, vắt dọc trên gộc củi, mắt lim dim, thỉnh thoảng có một tia nắng xiên xiên qua vách, chiếu lên người. 

Chiều, đứa gái lớn nhanh chân về trước. Việc đầu tiên là gác những thanh củi nhỏ vừa dụi đi buổi sáng xếp xung quanh gộc củi lớn, nhặt một ít phoi bào trong cái thúng rách bên cạnh, nhồi vào giữa. Cầm cái ống thổi, ngọn lửa sẽ từ từ bùng lên. Đấy chính là lúc ngọn khói màu lam đầu tiên bay lên trên mái nhà. 

Ngọn khói mang theo một mơ ước thật bình dị: Bữa cơm ấm cúng bên bếp lửa hồng, với những cặp má trẻ con hây hây đỏ. Một đĩa cá suối kho cháy cạnh với riềng, một bát canh măng, một đĩa dưa cải. Dưa cải mẹ muối trong cái vại sành. Mùa đông, trời lạnh, muối dưa rất khó chua, mẹ phải vần cái vại dưa ấy cạnh bếp, nửa ngày lại xoay một lần, lấy cái hơi nóng từ bếp lửa để dưa lên men. Mẹ sẽ gỡ xương cá cho đứa út. Từng ít một, từng ít một, những miếng cá thơm nức. Mẹ hay nói “có cá vạ cơm” trước khi nhắc chị cả đong nhiều gạo hơn mọi bữa một chút. Còn cái đầu, mẹ ăn. Mẹ bảo, ăn đầu cá kho mới thực là bùi nhất, ngon nhất, đậm nhất. Mẹ không thích ăn thịt cá, vì nó nhạt. Lúc nào mẹ cũng ăn đầu cá, đầu tôm, những thứ mà con út vô tâm bỏ ra mâm. Vừa gắp lên, mẹ vừa càu nhàu: “Ngon thế này mà nó định bỏ đi, có phí của giời không cơ chứ”. 

Ngọn khói gọi đám trẻ chăn trâu mải chơi hơn cả trâu, lang thang trên rừng vội vã về nhà. Mải chơi, mải ăn sung, ăn ngõa, ăn sa nhân, thậm chí đào măng trong rừng vầu lên mà nướng… no căng cả bụng. Thấy khói bay lên từ làng, chợt nhớ cơm, thèm cơm, vội vã lùa trâu xuống đường mòn. Tiếng mõ trâu vang lên ở khắp các ngả rừng. Nghe tiếng mõ biết đàn trâu nhà nào. Có tiếng mõ đanh, giòn, có tiếng đục, trầm. Đàn trâu túc tắc, thủng thẳng xuống núi, tự tìm đường về nhà. 

Ngọn khói có khi buồn hơn cả nỗi buồn của người. 

Người già kể, có năm lũ lớn, lúa trên nương, ngô ngoài đồng, đỗ lạc ngoài bãi, chỉ sau một đêm, đổ rạp. Trâu bò gà lợn bị lũ cuốn trôi mất sạch. Mất mùa hoàn toàn. Không mất người nào nhưng làng buồn hơn có đám tang. Nhà nhà lũ lượt khăn gói ngược xuôi. Đi tìm việc làm. Hi vọng Tết đến có ít gạo thịt mang về cho lũ trẻ con. Làng vắng hoe, chiều chiều chỉ có tiếng bìm bịp kêu tít trong khe sâu, không tiếng chó sủa, không tiếng mõ trâu. Những ngọn khói gầy guộc, lay lắt tấp vào đầu hồi, không sao cất lên được. Người già đặt ấm nước lên đun sôi, lại đặt nồi lên, đổ nước vào đun sôi, lại đặt chảo lên, vẫn đổ nước vào, đun sôi. 

Cũng có khi khói vui hơn niềm vui của người. Làng có đứa bé mới chào đời, giữa một ngày đông buốt giá. Một đứa bé trai. Tiếng khóc của nó rất to. Bà nội lấy cái dao tre cắt rốn cho nó, giục cô nó bỏ nhiều củi vào bếp, thổi cháy to lên cho ấm. Sai bố nó lấy cái chậu, pha nước ấm để bà tắm cho nó. Lại sai ông nội ra bắt con gà, lọc bỏ da, nấu ngay một nồi cháo thật nhừ cho con dâu. Trong bếp, ngọn lửa nhảy nhót reo vui phần phật, khói bay lên qua mái nhà rất nhanh, rất cao. 

Từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, hết gộc củi này có gộc củi khác, không khi nào bếp nguội. Bếp chỉ nguội khi người không còn, người bỏ cuộc đời, người đi. 

Và ngọn khói cứ quẩn lên mỗi ngày, theo ngọn lửa rộn ràng khi nhà có khách, nườm nượp đàn ông vào ra châm đóm hút thuốc, nườm nượp đàn bà nồi niêu xoong chảo, lanh canh bát đĩa. Theo ngọn lửa im lìm ủ kín trong tro nóng khi người đi vắng. Đi xa, mỗi chiều tối, trong cái giá rét của mùa đông sắp qua, trong cái hơi lạnh buôn buốt của mưa xuân sắp tới, lại nhớ tới góc bếp, thật ấm với ngọn lửa đỏ, thật thơm với ngọn khói nhẹ bẫng như tơ, quẩn trên mái ngói. Cái mái ngói cũ thật cũ.