Nhớ cái Tết đầu tiên trong kháng chiến

ANTD.VN - Bài thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước xuân Đinh Hợi (1947) chính là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Hồ Chủ tịch. Bài thơ vang lên rành rẽ và ấm áp trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam ngay trong đêm Giao thừa đã làm nức lòng nhân dân cả nước. 

Nét đẹp thơ mộng của núi Trầm, Chương Mỹ, Hà Nội

Người đã chúc: 

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi

Thống nhất độc lập, nhất định thành công”.

Bài thơ chúc Tết đầu tiên trong kháng chiến ấy đã được Hồ Chủ tịch thu âm ngay trong chùa Hang của núi Trầm. Chính vì thế, nơi này được biết đến với một ý nghĩa vô cùng trọng đại và đặc biệt thân tình. 

Hồi cuối tháng 11-1946, nhận thấy khả năng về một cuộc chiến tranh với quân đội Pháp là không tránh khỏi và nhận thấy ta chưa đủ lực để ở lại Thủ đô một khi cuộc chiến xảy ra, một bộ phận của Đài Tiếng nói Việt Nam đã di chuyển máy móc về lắp đặt trong hang Trầm. Mục đích là quyết không để “Tiếng nói Việt Nam” bị ngưng nghỉ khi ta tiến hành nổ súng. Chính vì có sự chuẩn bị trước như vậy mà sáng 20-12-1946, lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch đã được phát đi trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam từ chính hang Trầm. Một kỳ tích đáng đi vào lịch sử như một huyền thoại về lòng quả cảm và về sự vượt khó để chiến thắng của quân và dân ta. 

Chiều 21- 1- 1947, tức chiều 30 Tết, Hồ Chủ tịch quyết định sang chùa Trầm. Cùng đi với Người còn có nhà thơ Huy Cận. Đoạn đường từ xã Cần Kiệm, huyện Quốc Oai, nơi Người cùng Chính phủ tạm sơ tán sang xã Phụng Châu chỉ chưa đầy 10km mà mọi người phải đi mất mấy tiếng đồng hồ. Đó là do đoạn đường quá xấu, chiếc xe Jeep cũ liên tục bị “Pa ti nê” nên có lúc chính Người cũng phải xuống xe đẩy cùng mọi người. 

Chập tối cả đoàn mới tới được chùa Trầm. Hồ Chủ tịch xuống xe, Người nhanh nhẹn bước vào chào vị sư trụ trì đồng thời gặp mặt anh em cán bộ nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đang tề tựu chờ đón Người ở đó. Người rất vui khi gặp lại những người quen trước thềm năm mới Đinh Hợi. Người nói vui, Tết này là Tết đầu tiên trong kháng chiến nên ai ai cũng phải cố gắng, ai ai cũng phải thi đua. 

Người đã cùng chung vui và chúc Tết trước mọi người ngay trong hang Trầm sau khi đã thu âm xong bài thơ chúc Tết. Thời kỳ này, công tác thu âm của Đài Tiếng nói Việt Nam đã có bước tiến bộ. Chiếc máy ghi âm bằng đĩa than do một Việt kiều tặng cho Người hồi Người sang thăm Pháp bây giờ đã tỏ rõ ưu việt của nó. Hồ Chủ tịch đã trao chiếc máy ấy lại cho Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Bài thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước xuân Đinh Hợi (1947) chính là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Người. Bài thơ vang lên rành rẽ và ấm áp trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam ngay trong đêm giao thừa đã làm nức lòng nhân dân cả nước. 

Sau khi ghi âm bài thơ chúc Tết xong, Hồ Chủ tịch còn lấy giấy viết thư và chuyển giao liên gửi gấp vào nội thành Hà Nội. Trong thư Người đã viết: “Các em là đội quân cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đó là một lời động viên, một lời chúc Tết tuy giản dị nhưng chứa đựng tâm tư tình cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ đối với các chiến sĩ đang đem xương máu gìn giữ nền độc lập non trẻ mà chúng ta mới giành được. Lời chúc của Người đã làm các chiến sĩ Liên khu 1 thêm quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đánh giam chân quân Pháp trong thành Hà Nội để Chính phủ và cả nước có thêm thời gian cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Trước khi quay lại xã Cần Kiệm, Hồ Chủ tịch còn xin sư trụ trì mấy miếng vải đỏ. Người đặt vào từng miếng vải đó đó một đồng xu và gói lại. Người bảo để về bên ấy (xã Cần Kiệm) sẽ làm quà mừng tuổi các cụ cao tuổi và các cháu thiếu nhi. Vị sư trụ trì chùa Trầm bèn đứng lên xin Người cho câu đối để nhà chùa cùng anh em cán bộ của Đài đón Tết. Hồ Chủ tịch rất vui, Người liền viết lên tấm vải đỏ mà vị sư vừa đem ra đôi câu đối. Người viết: “Kháng chiến tất thắng/ Kiến quốc tất thành”.

Bảy mươi năm đã trôi qua nhưng lời hiệu triệu núi sông của Hồ Chủ tịch ngày 19-12-1946 còn nguyên giá trị lịch sử. Nó khẳng định mãi mãi một chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và lời thơ chúc Tết Đinh Hợi – 1947 của Người cũng đi qua bảy mươi mùa xuân đất nước. Lời của Người đã truyền núi sông như một tiên lượng cho một tương lai của cuộc kháng chiến tuy mới mở màn nhưng báo trước thắng lợi cuối cùng. Kháng chiến thắng lợi đồng nghĩa với sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước thắng lợi. Đất nước thu về một mối đống nghĩa với công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước sẽ đạt được như mong muốn của Người. 

Ba ngôi chùa quanh di tích núi Trầm

Hang Trầm trong núi Trầm cách Thủ đô Hà Nội chừng 25km về phía Tây Nam, nhưng với đường chim bay thì chỉ độ dưới 20km. Núi Trầm là một ngọn núi đá mang dáng hình một linh vật nằm trầm mặc, đơn độc nổi lên giữa cánh đồng lúa xanh tốt của xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội. Có lẽ vì cái dáng trầm mặc đó mà núi được mang tên là núi Trầm và cũng theo đó, chùa ở đây được gọi là Chùa Trầm.

Chùa Trầm là một quần thể gồm ba ngôi chùa tọa lạc ở đây, nép mình thanh nghiêm bên núi Trầm. Cũng tại đây, chùa Hang ẩn khuất trong hang núi, một hang rộng thoáng và mát về mùa hạ nhưng ấm áp về mùa đông. Trong hang, những bức tượng Phật dựng thành hàng ngồi sát vách nhìn kỹ mới thấy. Và sau cùng là chùa Vô Vi bên sườn núi, ngày ngày đón nắng và gió vi vu. Cả ba ngôi chùa này đều đạt đến sự hài hòa giữa độ cao của núi tạo nên cả giác tự nhiên gần gũi mà thanh tịnh.