Nhớ bác Tô Hoài

ANTĐ - Hôm đó, ngày 2-1-2014, vừa bế mạc triển lãm “Những đứa trẻ”, trước khi về Sài Gòn tôi vào thăm bác Tô Hoài ở bệnh viện Việt Xô. Bác đã yếu lắm rồi, tôi tiến đến cầm tay bác nói: “Bác Tô Hoài ơi, cháu là Hiền con bố Kim Lân đến thăm bác đây”. Đôi mắt khẽ mở ra “Hiền đấy à, cô bé đi lạc của bác vẫn vẽ đấy chứ?”.

Nhớ bác Tô Hoài ảnh 1
Tấm ảnh kỷ niệm của gia đình nhà văn Kim Lân chụp trong một lần ông tiếp các bạn văn 
Tô Hoài, Nguyễn Tuân…

Tôi ngồi nhìn bác hồi lâu, bao kỷ niệm tuổi thơ với bác bỗng hiện về, từ những năm còn ở trên đồi Cháy, ấp Cầu Đen. Khi đó, bác  cùng bác Nguyễn Huy Tưởng, bác Nguyễn Đình Thi thường xuyên đến ở nhà bố tôi trên quả đồi này. Những chuyện cổ tích của bác Tưởng, bác Tô Hoài tôi cũng được nghe các bác kể từ ngày đó.

Năm 1954, tôi được theo bố cùng các bác về tiếp quản Thủ đô, ở 51 Trần Hưng Đạo, là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật. Lần đầu tiên về Hà Nội phố phường rộng lớn, sợ tôi đi lạc, bố tôi dặn hễ đi đâu không tìm được đường về, con cứ lên xích lô nói họ chở về 51 Trần Hưng Đạo, nếu không gặp thầy thì các bác sẽ trả tiền xích lô cho con. Quả nhiên là tôi đi lạc thật. Bố đưa tôi xuống nhà cô tôi ở cuối Phố Huế chơi, rồi ông phải về đi làm, dặn sẽ đến đón tôi sau. Sốt ruột quá tôi rủ em họ đi “chu du” phố xá, hai chị em đi lang thang khắp phố phường loanh quanh mãi không tìm được đường về, em tôi khóc ầm lên, tôi cũng sợ, mới lên 8 tuổi mà lại lần đầu tiên ra Hà Nội. Nhớ lời bố dặn, tôi gọi xích lô đưa về 51 Trần Hưng Đạo. Hai đứa ngồi trên xích lô đi mãi cũng về đến ngã tư Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, từ xa tôi đã thấy bác Tô Hoài đứng ngoài cổng mặt đầy lo lắng. Thấy bác, tôi hét vang lên: “Bác Tô Hoài ơi!”. Nhìn thấy tôi, bác chạy lại bế thốc lên bảo:  “Ôi cháu đây rồi, cả cơ quan đi tìm cháu đấy, bác được cử đứng ở đây đón cháu ngộ nhỡ cháu tìm được đường về lại không có ai”. Nói rồi bác đỡ em tôi xuống, trả tiền xích lô. Tôi hỏi bố cháu đâu, bác nói bố tôi đã quay ngược xuống nhà ở Phố Huế xem có tìm được tôi không rồi sẽ về. Tôi nói với bác: “Bố cháu đã dặn là dù có đi lạc đến đâu cũng đừng sợ, cứ thuê xích lô về 51 Trần Hưng Đạo là được, sẽ có người trả tiền xích lô”. Bác cười hà hà khen tôi còn bé mà giỏi. 

Tôi lại nhớ hồi đó, mỗi lần Tết Trung thu, cơ quan bố chuẩn bị trước mấy ngày, rậm rịch bánh trái, đồ chơi đèn cù, thỏ, cá, ông sao, đầu sư tử, xâu hạt bưởi, đến đúng rằm bác Tưởng, bác Tô Hoài, bố tôi… dắt chúng tôi, tất cả con cháu của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật vào phòng lớn, phá cỗ, phát quà và múa sư tử đến khuya, vui đến mấy ngày sau. Trung thu ngày đó thật trong sáng, rực rỡ, hồn nhiên. Sau này có lần bác Tô Hoài nói, bây giờ Trung thu khác nhiều, trẻ con thì đồ chơi cũng thay đổi, súng ống gươm dao, người lớn thì cứ nhân cớ để đi biếu xén mưu lợi cho mình.

Mỗi lần từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi thường nhờ mẹ tôi đi chợ nấu nướng để bố mời các bác đến nhà ăn cơm, uống rượu cho vui, và để tôi cũng nhân dịp đó được gặp gỡ các bác như thuở nào. Nhớ hôm mời các bác Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Trần Lê Văn cùng mấy bác nữa tới nhà ăn cơm, tôi chạy quanh hầu bàn các cụ, bác Tô Hoài lại nhắc lại chuyện năm nào khi tôi đi lạc, cả cơ quan nháo nhác đi tìm, tôi nói đùa với bác đó là tôi bắt chước anh Dế mèn đi phiêu lưu của bác đấy. Thời gian trôi nhanh, tóc bác đã muối tiêu, tôi thì đã là một hoạ sỹ,  bà mẹ có cô con gái cũng bằng tuổi tôi lúc tôi đi lạc được bác bế năm nào, thời gian trôi nhanh quá. Ôn lại chuyện xưa, bác Tô Hoài và bác Nguyễn Tuân đều nói cháu nhớ vẽ cho các bác mỗi người bức chân dung nhé. Khi ấy tôi đã hứa, mà đến nay còn nợ…

Khi bố tôi mất, sau hôm làm lễ 49 ngày cho bố ở Hà Nội, bác Tô Hoài đã gọi Dũng, em tôi sang nói: “tại sao 49 ngày của bố cháu lại không mời bác sang? Dù bác có đau ốm thế nào, 49 ngày của bố cháu bác nhất định phải đến thắp cho bố cháu nén nhang. Ở lớp người như bố cháu và bác bây giờ chỉ còn bác thôi”. Nghe em tôi nói lại tôi vừa buồn vừa vui, buồn vì các em tôi không thấu đáo hết công việc lễ nghĩa khi cha mẹ đã mất, vui và cảm động vì dù đang ốm bệnh như vậy, bác vẫn nhớ đến 49 ngày của bố tôi, người bạn cùng thế hệ của bác. Bác Tưởng, bác Thi, bác Hồng, bố tôi… đã ra đi, còn lại bác. Bác nhớ thương bạn bè một thời của mình, những người cuối cùng của lớp nhà thơ thời kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc.

Lại nhớ đã lâu lắm rồi, khoảng năm 1961, một hôm bố tôi bảo Hiền đi chơi với thầy. Bố tôi đèo tôi lên xưởng phim truyện Việt Nam ở Thuỵ Khuê, vào phòng chiếu phim thấy bác Tô Hoài và rất đông người ngồi đó. Phim chiếu lên, thấy bố tôi xuất hiện tôi ngạc nhiên quá. Hình như đó là khởi đầu cho loạt phim bố tôi đóng những nhân vật trong truyện của các bạn mình về sau này như lão Hạc của bác Nam Cao, ông thủ quỹ làng trong phim Chị Dậu của bác Ngô Tất Tố… Nhìn bố tôi đóng lão Pạng khòm khòm đứng, bàn tay gầy guộc ôm ngực cất giọng khào khào trong phim, bác Tô Hoài liếc bố tôi, nháy nháy mắt cười mỉm có vẻ khoái chí lắm.

Bố tôi và bác thỉnh thoảng vẫn rủ nhau đi chơi, uống bia cùng bạn bè. Hoạ sỹ Hoàng Hồng Cẩm có lần kể rằng, Cẩm ngồi uống cà phê hát karaoke với mấy người bạn, thấy bố tôi và bác Tô Hoài dắt tay nhau đang tần ngần vừa định vào, vừa không. Thấy thế Hoàng Hồng Cẩm liền gọi to: “Anh Dế mèn ơi, anh Hạc ơi, còn chần chừ gì nữa, lên đây uống cà phê và hát karaoke với bọn em nào”.  Nghe Cẩm gọi thế, bố tôi và bác Tô Hoài không giận, lại cười khà khà rồi lên cầu thang, ngồi uống nước và hát karaoke. 

Thế mà rồi Hoàng Hồng Cẩm, bố tôi, bác Tô Hoài đều đã ra đi. Bác cùng tuổi với bố tôi, đi sau bố tôi 7 năm. Cũng như bố tôi, bác di chúc lại dặn con cháu đưa bác về an nghỉ tại nghĩa trang Thanh Tước, nơi bác có thể đợi một ngày nào đó bác gái về nằm bên cạnh. Có người nói với tôi tiếc quá, tiêu chuẩn của bác được nằm ở Mai Dịch kia mà. Tôi lại thấy quyết định ấy của bác thật tuyệt vời, bác muốn sẽ được nằm cạnh bác gái, người con gái con nhà giàu, tiểu thư khuê các, đã trao cho bác mối tình đầu, kết duyên với chàng văn sỹ nghèo, đi theo bác suốt chặng đường kháng chiến, một nách nuôi 5 người con và sát cánh bên bác trong suốt 65 năm cuộc đời.

Suốt hơn 70 năm cầm bút, bác Tô Hoài là một tấm gương về sức sáng tạo và lao động miệt mài, cần mẫn đến tận phút cuối cùng của cuộc đời… Bác Tô Hoài được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn, giải thưởng Hồ Chí Minh  nhưng với tôi giải thưởng lớn nhất của một nhà văn đó là, dù bác không còn nữa nhưng những tác phẩm của bác, tâm hồn, dấu ấn của bác để lại sẽ sống mãi với thời gian. Đó chính là vinh dự lớn nhất không gì sánh được của một nhà văn, một nghệ sỹ.

Theo thông tin từ Ban tổ chức lễ tang TP Hà Nội, tang lễ nhà văn Tô Hoài sẽ được diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông) bắt đầu từ 7h30 đến 10h30 ngày 17-7. Tang lễ nhà văn Tô Hoài được tổ chức cấp thành phố. Trưởng ban là bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang sẽ diễn ra lúc 10h cùng ngày.