Nhịp phố

ANTD.VN - Tôi gọi sự chuyển dịch sau Tết Đinh Dậu ở Hà Nội là nhịp phố. Không hề có chút lãng mạn hóa nào ở đây, thật sự những ngày này nếu bạn có dịp đi trên đường phố Hà Nội sẽ thấy nhịp chảy của cuộc sống phố phường một cách bình dị nhất và phố nhất. Theo nghĩa yên lành.

Nhịp phố ảnh 1Ảnh: Internet

Đã thành quy luật dịp Tết, Hà Nội bao giờ cũng vắng. Dịp nghỉ Tết dài khiến những công dân thành phố cả ngụ cư chính thức lẫn bám trụ thường nhật có gốc gác quê, đa phần đều trở về với quê hương bản quán.

Các trường học, công sở đóng cửa. Người Hà Nội những ngày này, ngoài sự hân hoan của Tết được đón nhận một sự bình yên hiếm thấy. Một sự bình yên kéo dài thậm chí ngày đi làm mùng 6 Tết, những dự báo về giao thông, về một lượng người kỷ lục đổ ra đường khiến đường phố tắc nghẽn đã không diễn ra. Phố phường trật tự êm đềm. 

Hà Nội những ngày Tết nếu không phải cư dân Thủ đô hẳn sẽ khó tìm cho mình được một nơi ăn uống đúng nghĩa. Hàng quán thường đóng cửa đủ mấy ngày nghỉ. Những người buôn bán thường chọn tùy theo hiểu biết và quan niệm về một ngày mở hàng may mắn sau khi nghỉ Tết. Nói thế không có nghĩa là mọi thứ của dịch vụ ăn uống đóng cửa.

Vẫn có nhưng chỉ là lác đác và giá cả được đội lên. Ngày Tết thì sự tăng giá cũng không có gì lạ. Thậm chí những hàng quà mở từ ngày mùng 1 như bún riêu, bún cá, bánh cuốn, phở... giá bị đôn lên gấp đôi, gấp bốn. Và người dân cũng chỉ coi đây là một chuyện bình thường. Tết được nghỉ ngơi, thế nên nếu có ai vì bất kể lý do gì dành thời gian quý hiếm này mở hàng thì hẳn đó cũng là điều để khách hàng thể tất chẳng quá khắt khe.

Thêm lý do là ngày Tết những thứ như bánh chưng, giò chả, thịt thà cỗ bàn quá nhiều nên người ta cũng muốn những món ẩm thực thanh cảnh cho đỡ ngấy. Những quán nhậu thì có lẽ bói mờ mắt mới tìm được một điểm. Nhà hàng, khách sạn lo được cho khách hàng của mình đã đủ mướt nói gì đến người ngoài. Ngày này cũng ít người chọn ăn uống ngoài bởi đã thành phong tục, người ta tìm đến với nhau ở nhà riêng chúc tụng, ăn uống. 

Tết, những điểm vui chơi, những danh thắng bao giờ cũng chật khách. Đền chùa là điểm đến không thể thiếu với nhiều gia đình bắt đầu ngay từ Giao thừa. Đặc biệt các rạp chiếu phim, các trung tâm giải trí thì Tết là dịp làm ăn. Phim Tết nào nếu đánh trúng tâm lý khán giả thì đây là dịp hốt bạc chí ít là khẳng định được thương hiệu đình đám. Đa số phim ra rạp dịp Tết là phim hài trong nước và các phim bom tấn của điện ảnh thế giới.

Việc cúng lễ tổ tiên thường diễn ra ở mỗi gia đình tầm sáng hoặc trưa mùng 1 Tết nên ngay từ chiều ngày này là mọi người đã có thể “xuất hành” đi thăm thú, chúc Tết họ hàng, bạn bè. Nắng ấm nên năm nay mọi người thỏa sức đi chơi thăm thú. Hầu như ngày Tết nào đường phố cũng nhuộm rực rỡ màu sắc của dòng người Tết tạo nên một không khí rất đỗi vui vẻ. Những ngày Tết qua nhanh. Thứ hàng hóa ấn tượng nhất trở lại với phố phường là hoa. Mà nói thế chưa phải đã đúng lắm bởi ngay từ mùng 1 Tết, tôi đã gặp người bán hoa dạo.

Những bông hoa tươi mởn ngày đầu năm nom thật đẹp và tươi mới. Cái hình ảnh chị bán hoa cũng vậy tạo cho những ai bắt gặp một sự thân thiện  trong trẻo. Hoa là thú chơi là vật cảnh không thể thiếu của người Hà Nội. Sang trọng thì chơi từ cây thế đến chậu lan trồng hàng trăm nhánh. Bình dân cũng đủ loại hoa để chơi để thỏa mãn nhu cầu.

Không như một số loại hoa khác, đào được chơi lai rai đến tận rằm tháng Giêng. Chọn được một cành đào đẹp cắm chơi sau Tết hoặc ngày rằm đặt trên ban thờ đích thị là điều may mắn. Qua mùng 1 các chợ bắt đầu rục rịch mở cửa. Thời hiện đại “cầu” thường được “cung” đáp ứng.

Các bà nội trợ thời nay hay có thói quen tích trữ từ thịt thà đến rau củ không phải vì khan hiếm mà là họ chuộng thực phẩm sạch. Nhưng đa số dân tình vẫn sống bằng thực phẩm chợ. Các lò mổ lớn phải quãng mùng 4 trở ra mới khai lò nhưng các hộ nhỏ đã giết mổ rất sớm tùy theo nhu cầu. 

Nhịp phố đang yên bình chuyển động chợt bừng lên vào ngày các trường học mở cửa và công chức đi làm. Năm nay ngày hết nghỉ Tết đi làm, Hà Nội không quá đông đúc một phần là do các trường đại học mở sau. Lượng sinh viên của mấy chục trường đại học là một con số không nhỏ. Và nữa số lao động phổ thông lấy phố phường làm thời vụ làm việc sinh nhai thường ở quê đến hết rằm mới lại “xuất hành” ra phố. Tầm những ngày này muốn tìm được một người đánh giày là khó khăn. Các cửa hiệu cắt tóc, gội đầu cũng vậy chỉ có một số nơi mở cửa lấy ngày. Để cạo được cái đầu năm mới suôn sẻ tôi đã phải hẹn trước chủ hiệu cắt tóc quen từ trước Tết. 

Mọi thứ chỉ trở lại sau ngày chính thức làm việc. Xe buýt chạy đủ các ngày Tết nhưng một số tuyến giảm chuyến vì lượng khách ít nay trở lại bình thường. Các cửa hiệu mở cửa. Phố phường lại nhộn nhịp và bắt đầu có tắc nghẽn giao thông dù chưa phải quá căng thẳng. Điều đó có lẽ nhờ vào âm hưởng của không khí xuân năm mới hơn là số lượng các phương tiện tham gia giao thông.

Các lễ hội bắt đầu diễn ra. Người Hà Nội du xuân bằng các lễ hội như chùa Hương từ rất sớm. Phố đã thực sự trở lại nhịp đời như chưa hề có một cái Tết yên bình vừa dứt. Nhịp phố lại trở nên hối hả, gấp gáp như thể nó muốn dịch chuyển đủ guồng quay để hẹn ngày trở lại với yên bình của Tết. Vào một năm sau.

Hà Nội, 10-2-2017