Nhìn về Hà Nội

ANTĐ - Theo báo cáo của nhà khí tượng học Jeff Masters, cơn lũ năm 2011 tại Thái Lan đã làm ngập 61/77 tỉnh thành toàn nước Thái, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của 8,2 triệu người. Lũ đã làm mất trắng khoảng 10% sản lượng lúa của Thái Lan.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, thiệt hại kinh tế cho đến thời điểm này khoảng 5,1 tỉ USD; nhưng theo Trung tâm Nghiên cứu dịch bệnh Thái Lan (CRED), nếu kể luôn các chi phí y tế - xã hội khác, thiệt hại kinh tế có thể lên đến 6 tỉ USDchính phủ Thái Lan sẽ chi 900 tỷ Baht (hơn 29 tỉ USD) cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt toàn quốc và các biện pháp phòng chống lâu dài.

Bước đầu, các nhà khoa học Thái Lan đã nhận định nguyên nhân dẫn đến trận lụt tồi tệ đang diễn ra là do mưa to kéo dài ở thượng nguồn và nước biển dâng do biến đổi khí hậu cùng việc khai thác nước ngầm và xây dựng tràn lan làm Bangkok lún.

Trong hàng thập kỷ qua, Thái Lan phát triển quá nhanh, nhiều diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp, mặc dù đã có nhiều nỗ lực bảo vệ tài nguyên rừng từ các dự án của Hoàng gia Thái, các đập thủy điện như đập Bhumibol và đập Sirikit mặc dù cũng có chức năng phòng lũ nhưng quy trình vận hành như tích nước - phát điện và xả lũ vẫn có những vấn đề, các quy hoạch phát triển đô thị và giao thông dọc theo hai bên bờ sông đã làm thu hẹp đường tràn lũ tự nhiên.

Thêm vào đó, làn sóng di dân từ các tỉnh khác và vùng nông thôn đổ vào Bangkok kiếm sống khiến Thủ đô Thái Lan phải liên tục xây dựng quá nhiều cao ốc. Nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho một Thủ đô hơn 10 triệu dân dẫn đến mỗi năm khoảng 2,8 triệu m3 nước ngầm ở Bangkok được rút lên. Hệ quả là trong 60 năm, Bangkok đã sụt lún 1,5 - 1,7m. Khi đất nền ở Bangkok và một số vùng duyên hải của Thái Lan bị hạ thấp dần, nơi này chẳng khác nào một lòng chảo khổng lồ và dòng nước lũ từ thượng nguồn chảy về chỗ trũng cứ thế đổ vào. Triều cường lại khiến lũ thoát ra biển chậm hơn, từ đó dẫn tới tình trạng ngập lụt.

Nước lũ rồi sẽ rút, có thể trong vài ngày tới hoặc lâu hơn, nhưng hậu quả mà nó để lại chắc chắn sẽ còn dai dẳng. Ngành công nghiệp sản xuất của Thái Lan bị thiệt hại nặng nề khi 930 nhà máy tại 28 tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất bị đình đốn dẫn tới nhiều người dân không có hoặc mất việc làm, một yếu tố sẽ làm nảy sinh những vấn đề xã hội khó giải quyết. Những cánh đồng ngập trắng cũng sẽ tác động lớn tới sản lượng nông nghiệp của Thái Lan trong năm nay.

Trận lũ lụt lịch sử đe dọa nhấn chìm Thủ đô Bangkok (Thái Lan) không chỉ đặt ra cho đất nước này nhiều bài toán mà còn là lời cảnh báo đối với các đô thị lớn khác ở Đông Nam Á, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Từ trận lụt lịch sử ở Thái Lan, nhiều người đã liên tưởng đến Hà Nội, khi trận lụt khủng khiếp năm 2008 vẫn còn ám ảnh trong tâm trí nhiều người.

Hiện TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chống lụt đến năm 2050, xây dựng các kịch bản chống BĐKH, xây dựng, nâng cấp hàng loạt các trạm bơm… Nhưng điều cần cảnh báo là Hà Nội cũng đang phải giải bài toán về sự quá tải của đô thị tương tự như Bangkok. Mật độ dân số ở Hà Nội nói riêng và ở các đô thị Việt Nam tăng lên không ngừng theo mức tăng cơ học. Quy hoạch đô thị cũng theo kiểu phát triển hướng tâm. Đặc điểm về địa lý, phát triển kinh tế, xã hội của Bangkok có nhiều nét tương đồng với Hà Nội. Thủ đô nghìn tuổi của chúng ta trong quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt đang “bóp chết” nhiều tác nhân chống lũ, lụt. Trong số đó, quan trọng nhất là hệ thống ao hồ, kênh rạch, “túi chứa nước” và thoát nước khi mưa lớn kéo dài. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng - CECR (Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh như vũ bão trong những thập kỷ vừa qua, đã tạo những áp lực to lớn lên hồ Hà Nội theo ba kênh chính là rác thải, nước thải sinh hoạt và nạn lấn chiếm lấp hồ bất hợp pháp. Bởi thế, chỉ cần vài trận mưa lớn khoảng 300 - 500mm là nhiều nơi ở Hà Nội gần như tê liệt ngay vì ngập nước.

Bởi thế mới nói việc lũ lụt ở Bangkok chính là lời cảnh báo đối với các đô thị lớn ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội.