Nhìn từ nỗi đau

ANTĐ - Gần hai chục năm trước chưa bùng nổ công nghệ thông tin, chưa internet, ít báo chí, người mê đọc sách thường được gọi là “mọt” sách.

- Còn người mê đọc báo cũng như ông thì gọi là “mọt” báo. Ông mua lắm báo thế chắc gì đã đọc hết, tốn tiền lắm nhỉ?

- Đọc báo là để nâng cao dân trí, có những bài báo hay tôi còn cắt ra… để dành thỉnh thoảng lại mang ra đọc .

- Yêu báo như ông quả thật là đáng kính phục. Vậy có gì hay ông thử “điểm báo” cho tôi nghe xem?

- Nhiều vô kể. Chỉ xin “điểm” một bài nói về một nhà báo “viết” báo bằng ảnh khiến cả làng ảnh báo chí thế giới ngả mũ  phục.

- Ống kính làm sao sắc bén, có sức nặng bằng ngòi bút được?

- Ngược lại ảnh của ông có mặt trên nhiều nhật báo, báo ảnh, tạp chí nổi tiếng thế giới với những góc nhìn xã hội ở những điểm gai góc, gây nhức nhối nhất.

- Chả bù cho một số nhiếp ảnh gia ở ta chỉ thích khai thác những “chân dài”, “lộ hàng” khoe xác.

- Thị trường thương mại tất phải “đẻ” ra, báo “lá cải”, ảnh “lá cải”. Eugene Richards đi bất cứ đâu, chụp bất cứ gì nhưng phải lột tả rõ nỗi đau. Ông thường chụp nỗi đau, nỗi đau của ông gắn liền với con người. Khi nhìn vào người xem quặn thắt, đồng cảm như nỗi đau của chính mình.

- Giá như ông phóng viên ảnh ấy sang ta tác nghiệp chắc sẽ chụp những bức ảnh vô giá, sẽ còn nổi tiếng hơn.

- Ở tuổi gần 70, sức nặng thời gian khiến Richards không đi lại được nhiều, nhưng ông vẫn khám phá cuộc sống. Nhìn ảnh của ông không chỉ ngắm nhìn nỗi đau mà ẩn hiện mầm sống, kèm theo dấu hỏi xung quanh nỗi đau tận cùng.

- Đúng là ngòi bút, ống kính phải xoáy vào điểm gai góc, nhức nhối nhất của xã hội.