Nhìn từ con số doanh nghiệp khai tử và doanh nghiệp thành lập mới: Tín hiệu tốt lành

ANTĐ - Lần đầu tiên, trong hai tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký mới đã tăng so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, nền kinh tế đã quay lại xu hướng phát triển. 
Nhìn từ con số doanh nghiệp khai tử và doanh nghiệp thành lập mới: Tín hiệu tốt lành  ảnh 1

Doanh nghiệp mới tăng

Tính chung 2 tháng đầu năm 2015, cả nước có 13.766 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn là 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số DN và tăng 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 6.899 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 45.825 tỷ đồng, tăng 0,47% về số doanh nghiệp và tăng 44,6% về số vốn đăng ký so với tháng 1.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong tháng 2 của cả nước là 2055, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy nhờ có sức đề kháng và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn, những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thường có độ ổn định và sức chống chọi trước khó khăn cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước trong tháng 2 là 14.040 doanh nghiệp, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 4.794 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 9.246 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2015, cả nước có 4.376 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

 Thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đăng ký giấy phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 23,3% về số vốn đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. BĐS là lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng khoảng 89%, trong khi lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm chỉ tăng khoảng 55%. Theo các chuyên gia, trước những tín hiệu thị trường bất động sản ấm lên cùng di sản khổng lồ của thị trường BĐS còn đang nằm đắp chiếu, việc các doanh nghiệp BĐS đăng ký mới tăng không có gì lạ. Các doanh nghiệp này thường rơi vào hai loại: Loại thứ nhất sẽ là những doanh nghiệp thành lập mới hoàn toàn, hầu hết là các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, đầu tư nhỏ. Loại thứ hai là những doanh nghiệp đã “chết” có nhiều nợ thuế, nợ xấu… giờ thành lập lại với cái tên mới để dễ dàng vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, thống kê cũng đưa ra con số hơn 4.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm, riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng 52,8% so với năm trước. Tuy nhiên, yếu tố này không có tác động gì tốt cho thị trường, khi còn tới 90% dự án đang nằm chết vẫn chưa được ai cứu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn cho thị trường. Một doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại, phát triển trong bối cảnh hiện nay, cần phải có nguồn tài chính lớn và năng lực của lãnh đạo của doanh nghiệp. Bởi BĐS là “sân chơi” cho những người rất nhiều tiền, bản thân cổ phần, cổ đông của công ty phải mạnh hoặc phải có ngân hàng tài trợ. Nếu yếu tài chính, phải dựa vào đòn bẩy vay thì rất nguy hiểm. Đồng thời, BĐS cũng là một nghề, muốn kinh doanh tốt đòi hỏi phải có tính chuyên môn cao chứ không phải ai muốn làm cũng được.

Việc các doanh nghiệp BĐS thành lập mới hàng loạt và giải thể, phá sản hàng loạt không phải là điều gì nguy hại đối với thị trường. Dĩ nhiên, những quy định pháp luật phải chặt chẽ hơn để những con sóng thành lập giải thể không làm thiệt hại đến tài sản cá nhân và xã hội, không làm tăng các vụ án hình sự.

Cơ hội mới cho các doanh nghiệp

Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đã và đang trên đường đàm phán nhiều hiệp định thương mại. Năm 2014 là một năm ghi nhiều dấu ấn quan trọng của kinh tế đối ngoại Việt Nam, trong đó, nổi bật là việc hoàn tất thỏa thuận đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và với Liên minh hải quan Nga -       Belarus - Kazakhstan. Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang trên đường đàm phán ở những vòng cuối cùng. Những hiệp định này được ký kết mang lại lợi ích không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận với các thị trường lớn, đặc biệt là với những ngành hàng xuất khẩu hàng đầu của nước ta hiện nay như dệt may, da giày. Việc tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, đối với Việt Nam, chúng ta hiểu rằng bên cạnh những cơ hội vẫn sẽ có những thách thức, song doanh nghiệp không đơn độc trên hành trình đó bởi Nhà nước, Chính phủ, cũng như các cấp, các ngành và cộng đồng người tiêu dùng Việt luôn có những hỗ trợ đắc lực nhằm phát triển doanh nghiệp. 

Mặc dù, trong xu hướng thanh lọc diễn ra mạnh từ năm 2013 đến nay đã sàng lọc một số lượng không nhỏ doanh nghiệp, song phần lớn những doanh nghiệp còn lại thực sự là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có những thay đổi linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn, đồng thời qua đó tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động. 

Có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã có được sự đồng thuận cũng như hỗ trợ từ nhiều phía, cả về chính sách và cả từ thị trường. Lãi suất cho vay giảm, thủ tục hành chính được giảm thiểu, chính sách thuế linh hoạt, hỗ trợ lớn cho danh nghiệp là những động lực cho danh nghiệp yên tâm bước ra thị trường. Tuy nhiên, con số hơn 14.000 doanh nghiệp phải giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trong hai tháng đầu năm 2015 cũng cho thấy vẫn còn những khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp. 

 Một doanh nghiệp muốn phát triển phải hội đủ 3 điều kiện đó là nguồn nhân lực, vốn và cơ chế chính sách thông thoáng. Hiện còn rất nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vì vướng nợ xấu nên cần cơ chế thông thoáng, hợp lý hơn (như cho khoanh nợ, đảo nợ, hạ lãi suất cũ bằng lãi suất hiện hành, không nên áp dụng hình thức mua bán nợ). Nên ưu tiên lãi suất thấp và ổn định theo vòng đời từng dự án của doanh nghiệp . Ngoài ra, cần ưu tiên lãi suất cho doanh nghiệp làm hàng tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ, 4 ngành kinh tế mũi nhọn và 2 ngành truyền thống. Nhiều năm qua, doanh nghiệp đang phải chiến đấu rất cực khổ tại thị trường trong nước và ngoài nước. Nhiều  doanh nghiệp phá sản, rời bỏ thị trường một cách bất đắc dĩ. Gần đây có thông tin cho thấy nhiều thương hiệu nổi tiếng đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp buộc phải chấp nhận một cuộc sàng lọc và sự khắc nghiệt của quy luật đào thải. Vấn đề đặt ra là các  doanh nghiệp còn lại có đủ sức, đủ điều kiện để tồn tại và khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh hay không, sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cơ chế, chính sách của Nhà nước. Như vậy, cần đến cả hai phía cho một sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp, động lực chủ yếu của nền kinh tế: Quản lý Nhà nước và sự cố gắng của chính doanh nghiệp.

Những tín hiệu tốt từ con số thống kê đăng ký doanh nghiệp đã cho thấy những tín hiệu lạc quan của cả nền kinh tế Việt Nam. Đó là tín hiệu của sự bền vững và phát triển.