Nhìn thẳng, đánh giá thật để ngăn chặn ngay "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

ANTD.VN - LTS: Xác định tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ 9 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên hiện nay. Theo đánh giá của đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân, Nghị quyết đã nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật… để làm cơ sở đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng. 

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương 

Nhìn thẳng, đánh giá thật để ngăn chặn ngay "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ảnh 1

Trong 8 nhóm chủ trương, chính sách lớn của “Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), tôi rất tâm đắc và nghiên cứu kỹ nhóm chủ trương chính sách thứ tám “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước”.

Tôi cho rằng, tuy xếp là nhóm thứ tám nhưng nhóm này mới là chủ trương, chính sách cơ bản nhất của Nghị quyết số 05-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 1-11-2016.

Qua theo dõi, tôi thấy nhiều Nghị quyết của Trung ương, chủ trương giải pháp của Chính phủ, khâu quản lý điều hành, thực hiện Nghị quyết vẫn là khâu yếu nhất. Thái độ quan liêu, xa rời thực tiễn, đánh giá thấp vai trò của quần chúng nhân dân của bộ phận các cấp ủy Đảng, chính quyền vì lợi ích nhóm, cục bộ, bản vị đã thực hiện “méo mó” nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân.

Chính vì vậy theo tôi, giải pháp thứ tám là rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 05 về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng. Cần phải tạo bước đột phá đổi mới phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế theo hướng xây dựng Nhà nước quản lý và phục vụ, chính quyền thực sự liêm chính, lấy sự hài lòng, hiệu quả của nhân dân và doanh nghiệp là mục đích của cán bộ, chính quyền các cấp. Mạnh dạn quy hoạch lại, cắt giảm biên chế; xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan Nhà nước và người đứng đầu, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Phạm Thanh Giang (Phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Phải thực sự "dĩ công vi thượng"

Nhìn thẳng, đánh giá thật để ngăn chặn ngay "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ảnh 2

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII lần này, Trung ương đã chỉ rõ cụ thể 27 biểu hiện trên 3 phương diện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghĩa là Trung ương đã “hội chẩn tập thể”, chẩn đoán đúng căn bệnh dẫn đến sự thoái hóa về tư tưởng chính trị, về phẩm chất đạo đức, về “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, nguy cơ làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng trước vận mệnh xây dựng và bảo vệ đất nước. Trung ương cũng thấy rõ nguyên nhân “căn bệnh” trên chưa thuyên giảm, ngược lại, có những “bệnh” còn trầm trọng hơn. Chính vì vậy 4 giải pháp mà Trung ương chỉ ra lần này là những “bài thuốc” đặc trị, để chữa tận gốc căn bệnh trầm kha “thoái hóa, biến chất” hết sức nguy hiểm trong nội bộ Đảng ta.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng vào quyết tâm chính trị lần này của Ban Chấp hành Trung ương. Những cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, những người đã “nhiễm bệnh” hãy tự giác uống thuốc, điều trị bệnh. Các “thầy thuốc” cần nhân ái, kiên quyết, kiên trì điều trị cho người “nhiễm bệnh”, nếu thấy cần thiết, các “thầy thuốc” hãy dám hy sinh, chịu đau đớn, cắt bỏ những khối u, ung nhọt trên cơ thể người bệnh, để phục hồi một cơ thể lành mạnh, có sức tái tạo mới.

Chúng tôi mong người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền hãy thực sự “dĩ công vi thượng”, theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Với truyền thống cách mạng vẻ vang và bản chất tốt đẹp của Đảng, ý thức tự giác của từng cán bộ, đảng viên, sự gương mẫu của từng đồng chí Trung ương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân tin tưởng, theo dõi và ủng hộ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII tạo ra niềm tin mới, sức sống mới để Đảng ta thật sự trong sạch và lành mạnh.

Bà Đoàn Thị Loan, (Nguyên cán bộ, Bộ Tư lệnh Biên phòng)

Khôi phục niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân

Nhìn thẳng, đánh giá thật để ngăn chặn ngay "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ảnh 3

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI ngày 16-1-2012 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã được Đảng ta chỉ đạo sâu sát trong toàn Đảng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đánh giá: “Nhìn chung, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI với quyết tâm chính trị cao và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và phòng ngừa sai phạm”.

Tuy nhiên, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên, trong đó có cả đảng viên, cán bộ cấp cao chưa bị đẩy lùi. Thậm chí có mặt, bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm xảy ra nghiêm trọng hơn ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Sự xuống cấp về đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên đã dẫn tới biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hội nghị Trung ương 4, khóa XII ban hành Nghị quyết (ngày 30-10-2016) tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, nhất là những việc Nghị quyết đề ra nhưng chưa thực hiện và thực hiện chưa tốt, đồng thời có nội dung mới là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” gắn với thực hiện Chỉ thị 05/CT-TƯ ngày 

15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh”, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là thời cơ thuận lợi cho toàn Đảng để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, lấy lại niềm tin của nhân dân. 

Đại tá Đỗ Ngọc Sơn, (Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội)

9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ hiện nay

1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".

2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hoá" quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.

6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.

9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.

(Trích Nghị quyết số 04-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII)

Tin cùng chuyên mục