Nhìn nhận cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới

ANTĐ - Việt Nam có khả năng là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới.

Nhìn nhận cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới ảnh 1

 Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng tạo tiền đề để tiếp tục đổi mới và phát triển 

Đây là những nhận định được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức sáng nay 24-10.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quy mô kinh tế tăng trưởng mạnh, GDP đã tăng 30 lần trong 25 năm qua, xuất khẩu cũng tăng 30 lần trong vòng 20 năm, giúp Việt Nam thoát khỏi danh sách nước nghèo.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, những thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, các nhà tài trợ. Việt Nam đang kết thúc 30 năm đầu tiên của đổi mới, bước sang giai đoạn 30 năm phát triển. Trong bối cảnh đó việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước cũng được đặt ra.

“Bên cạnh những thành tựu của 30 năm đổi mới, Việt Nam cần đặt câu hỏi trong thời gian tới cơ hội và thách thức là như thế nào. Trong đó có vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế, ngân hàng... đưa ra nhận định rằng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: “Những nhận xét trên đã gợi ý cho chúng tôi cần phải đi sâu chủ đề, làm rõ thêm Việt Nam có tiền đề gì để hướng đến xu thế phát triển này, nhu cầu chuyển dịch trung tâm chế tạo thế giới như thế nào, chúng ta có điều kiện chuẩn bị để tiếp đón cơ hội này hay không”.

Mặc dù thống kê cho thấy, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% là đầu tư nước ngoài và đến nay là về chế biến, chế tạo, đó là những tín hiệu thuận lợi. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Nguyễn Thiện Nhân lưu ý: “Cần đặt câu hỏi vì sao các nhà đầu tư có thể chuyển dịch từ nước này sang nước khác, ví dụ từ Trung Quốc sang các nước. Vấn đề thứ hai cần đặt ra là người ta đi đâu, vì sao họ đến các nước đó? Nếu việc chuyển dịch có tính tất yếu 20-30 năm, Việt Nam muốn tham gia thì có điều kiện gì, gặp khó khăn gì?”.

Chia sẻ thêm tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Trong tương lai, Việt Nam muốn nền kinh tế phát triển theo hướng tăng cường nguồn nhân lực cao và tiếp tục theo định hướng xuất khẩu. Chuyển dịch từ tăng trưởng đơn giản sang phức hợp hơn, sử dụng nguồn vốn, lực lượng lao động kết hợp khoa học công nghệ. Việt Nam cũng cố gắng duy trì nền nông nghiệp là ngành mạnh trong thập niên tới, là nước nông nghiệp mạnh”.

Theo các chuyên gia, qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta vẫn chưa hình thành được các ngành công nghiệp có tính nền tảng cho nền kinh tế, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phân tán, manh mún, công nghiệp hỗ trợ còn non yếu.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới được xác định là cần phải đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Nguyễn Văn Bình đánh giá: “Hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam, ngành công nghiệp, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực để đề xuất các giải pháp toàn diện đồng bộ có ý nghĩa hết sức cấp bách và cấp thiết”.

Trong khi đó, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH-ĐT) cho biết: “Khi đã thuộc nhóm có thu nhập trung bình, Việt Nam đứng trước những thách thức mới và phải lựa chọn các hướng đi chiến lược để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, duy trì tăng trưởng, đổi mới cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động khi lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ đang dần mất đi động lực”.

“Hiện nay, một trong những định hướng được đưa ra là phát triển kinh tế Việt Nam thành trung tâm chế biến, chế tạo. Đây là hướng đi đã từng thành công với các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc”, ông Trần Duy Đông chia sẻ.