Nhìn màu nước tiểu đoán bệnh

ANTĐ - Nước tiểu là yếu tố quan trọng dự báo tình trạng sức khỏe. Màu sắc và mùi của nước tiểu có thể do thực phẩm chúng ta ăn và cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe của bạn.

Nước tiểu màu đỏ

Nước tiểu có màu đỏ, hồng có thể do bạn vừa ăn củ cải đường. Riêng nếu đi tiểu mà nhìn thấy có những sợi gân máu thì bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra. Đối với phụ nữ, máu trong nước tiểu có thể là triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc cũng có thể là chứng ung thư bàng quang ở cả nam và nữ. Ngoài ra, máu trong nước tiểu cũng là nguyên nhân gây ra bởi các chấn thương nhỏ hoặc sỏi thận hay tác dụng phụ của thuốc làm loãng máu cũng như điều trị bằng thuốc aspirin hàng ngày.

Nước tiểu có màu cam

Giống như làn da có thể chuyển sang màu cam nếu bạn ăn quá nhiều cà rốt, các chất đó cũng được bài tiết trong nước tiểu. Nguyên nhân là do bạn sử dụng các loại thực phẩm màu cam khiến  cơ thể dư thừa lượng carotene. Ngoài ra, thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị liệu, thuốc nhuận tràng, thuốc làm loãng máu và thậm chí cả các loại thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể khiến nước tiểu có màu cam. 

Nước tiểu màu vàng 

Nồng độ vitamin B, đặc biệt là B12 trong cơ thể có thể dẫn đến sự thay đổi màu sắc nước tiểu. Nếu màu vàng nhạt, có thể lượng vitamin mà bạn đã uống quá dư thừa hoặc cơ thể không hấp thu được. Cách tốt nhất để cơ thể hấp thu được vitamin là ăn nhiều thực phẩm có vitamin thay vì uống các loại thuốc bổ. Nếu nước tiểu có màu vàng đậm, thông thường do cơ thể đang thiếu nước. Khi đó, cần uống nhiều nước hơn, tốt nhất là khoảng 8 ly mỗi ngày.

Nước tiểu màu xanh 

Nếu nước tiểu có màu xanh lá cây, thủ phạm là bạn ăn măng tây. Một số loại thuốc nhất định cũng làm nước tiểu chuyển màu xanh như các loại thuốc chống buồn nôn, ợ nóng và vitamin tổng hợp. Trong một số trường hợp hiếm, nước tiểu màu xanh lá cây có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu được gọi là nhiễm trùng Proteus. Nước tiểu màu xanh dương có thể bạn đang mắc một bệnh di truyền hiếm gặp gọi là chứng tăng canxi huyết, có quá nhiều canxi trong xương.

Nước tiểu màu nâu

Porphyrias là một chứng rối loạn liên quan đến sự nhạy cảm với ánh sáng và đôi khi có thể dẫn đến nước tiểu có màu nâu do các tế bào máu đỏ được chia nhỏ trong cơ thể. Tuy nhiên,  nếu đi tiểu màu nâu kèm theo đau bụng, phát ban hoặc co giật thì bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Nếu nước tiểu có màu nâu sẫm (như nước trà đậm), đó có thể là dấu hiệu của suy thận hoặc bệnh gan hay rối loạn chức năng gan. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể làm cho nước tiểu màu nâu như: thuốc nhuận tràng, thuốc giãn cơ, thuốc chống sốt rét, và một số loại thuốc kháng sinh.

Nước tiểu màu trắng

Nước tiểu trong, gần như không có màu có thể là do bạn đã uống quá nhiều nước. Uống nhiều nước sẽ khiến thận phải hoạt động nhiều để lọc thải nước. Vì vậy, bạn nên giảm lượng nước uống khi thấy thường xuyên mắc tiểu và phải đi tiểu nhiều lần. Nhưng nếu nước tiểu màu trắng đục có thể là sỏi thận hay nhiễm trùng.