Nhìn lên rồi nhìn xuống

ANTĐ -  Ngồi nhìn dân tình sấp ngửa, ngược xuôi lo Tết nhất, tôi lại chợt nhớ câu: “Nhìn lên thì chẳng bằng ai. Nhìn xuống cũng chẳng thấy ai bằng mình”.

- Cách nói ấy là để “tự sướng”, chấp nhận thân phận mình để sống cho thanh thản thôi.

- Nhưng tôi lại nghĩ khác ông. Nhìn lên thấy mình không bằng ai để mà biết mình kém cỏi rồi cố mà dấn thân lên cho bằng người ta.

- Thế còn nhìn xuống thì ông thấy gì?

- Tôi thấy mình may mắn, sung sướng, nhưng không vì thế mà vênh mặt lên với những người kém may mắn, vất vả hơn mình. Ngược lại cần phải có sự cảm thông và sẻ chia.

- Nhiều người còn nói, nhìn lên những biệt thự, xe hơi chỉ tổ thêm chóng mặt. Nhìn xuống, nhất là dịp Tết này để thấy còn nhiều người cần được san sẻ, đùm bọc.

- Thế nên càng gần Tết thì càng nhiều nơi chở quà, chở chăn, áo ấm… tới tặng những mảnh đời khốn khó, kém may mắn hơn mình.

- Chuyện này đã diễn ra từ bao cái Tết rồi, nhất là Tết này rét buốt, băng tuyết đổ xuống thì cả xã hội lại càng phải nhìn xuống, chung tay góp sức.

- Thật đáng mừng là khi người lớn nhìn xuống thì trẻ con cũng... nhìn theo. Vừa rồi có một số trường ở Hà Nội, học sinh được thầy cô dạy gói bánh chưng, sau đó mang đến tặng các bạn học sinh nghèo.

- Ngay từ nhỏ đã được dạy cách... nhìn xuống cụ thể như thế, tôi tin rằng khi lớn lên bọn trẻ sẽ có con mắt nhìn lên rồi nhìn xuống chuẩn không cần chỉnh. Không như một số người lớn không thể cúi nhìn xuống được vì bụng no nê, phè phỡn quá.