Nhìn lại những vụ thảm án kinh hoàng của sát thủ tuổi teen

ANTĐ - Trong những ngày đầu tháng 4, liên tiếp những vụ án mạng kinh hoàng do sát thủ tuổi teen gây ra khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng và không khỏi phân vân, tại sao ngày càng có nhiều sát thủ trẻ tuổi hành động man rợ đến như vậy?! Do game, do chính sự giáo dục từ gia đình hay do luật pháp không đủ nặng để răn đe con người?

Giết người như … chơi game

Được ví như một “Lê Văn Luyện” thứ 2, chỉ vì mê mẩn muốn có được một chiếc điện thoại để chơi game nhưng không được bố đồng ý, ngày 11-4, Đào Văn Tài, (Đồng Quán, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã tới cửa hàng Internet nhà chị Lương Thị Nguyệt hòng giết người và ăn trộm tiền. Tại đây, Tài đã giả vờ làm khách ngồi chơi game, sau khi chị Nguyệt bế đứa con nhỏ vào buồng ngủ, Tài lẳng lặng lấy con dao giấu trong cặp bổ một nhát vào đầu đứa con trai lớn của chị Nguyệt tên là Trung đang ngồi gần đó. Tiếp đến hắn lấy con dao trên bàn bếp nhà chị chém vào đầu chị khiến chị gục xuống rồi tiếp tục chém khiến cháu Trung tử vong. Vậy là chỉ trong một phút chốc, tên sát thủ vốn được hàng xóm khen là “ngoan hiền” đã giết chết 2 mạng người không ghê tay chỉ với một mục đích là làm sao có được tiền phục vụ cho nhu cầu bản thân.

Cùng lứa tuổi với Tài, Đinh Quang Vinh, (SN 1997 trú tại xóm 6, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, Hà Nam) cũng khiến cho dư luận phẫn nộ vì hành vi giết chết bà nội chỉ vì 20.000 đồng. Có trực tiếp nghe được những lời khai của Vinh cũng không thể nghĩ được rằng, chỉ vì tiền mà tên sát thủ này có thể đang tâm giết chết người  bà đã nuôi dạy hắn nên người trong suốt bao nhiêu năm qua. Theo những lời khai của kẻ máu lạnh này, biết Yến có nhiều tiền nên do cần tiền trả nợ và mua điện thoại sử dụng, Vinh đã nảy sinh ý định giết bà.

Chiều ngày 20-4, khi chỉ có 2 bà cháu ở nhà, Vinh đã tạo cớ xin bà 20.000 đồng đi cắt tóc, trong lúc bà Yến đi lấy tiền, Vinh đã lấy chiếc then cài cửa bằng sắt, giấu ở trong người đập nhiều nhát vào đầu bà Yến, rồi dùng chiếc ghế gỗ đập liên tiếp nhiều nhát vào trán và đầu bà Yến cho đến khi bà bất tỉnh.  Không hề run sợ hay tỏ ra hối lỗi, Vinh tiếp tục lấy chiếc kéo nhọn ở bàn uống nước, đâm tiếp vào vùng ngực trái của bà rồi lấy tiền của bà, rửa chân tay, thay quần áo giặt sạch các vết máu dính trên quần áo rồi đi chơi điện tử và cắt tóc.

Cũng tương tự như trong các trường hợp trên, khi con quỷ độc ác trong người trỗi dậy,  Đặng Văn Chiến  đã cùng bạn game là Lê Thái Hòa bày ra “kịch bản” giết chết ông nội rồi lấy tiền. Sự việc trên xảy ra vào ngày 14-4, sau khi đi chơi trò chơi trực tuyến (game online) tại một quán Internet gần nhà đã đi đến cầu Ngồi Ngàn ở trong thôn ngồi hóng mát. Tại đây Chiến đã tâm sự với Hòa việc ông nội của Chiến là ông Bùi Trọng Keo (sinh năm 1942, trú ở thôn Hội Khánh Trung) không thương Chiến, không cho ăn cơm và còn đánh đập Chiến. Thấy vậy, Hòa rủ Chiến đi đâm ông Keo chết hòng cướp tài sản rồi trốn đi. Chiến đồng ý và đến 0 giờ ngày 15-4, cả hai đi đến nhà ông Keo mang theo 1 con dao nhọn. Lợi dụng lúc ông Keo đang ngủ say, Chiến đã lấy gối bịt mặt ông Keo để Hòa dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào đầu và thân thể ông…Tuy nhiên, được cứu chữa kịp thời, ông Keo đã thoát "cửa tử".

Đinh Quang Vinh tại cơ quan điều tra

Nghiện game – cội nguồn của tội ác?!

Trước khi những vụ án trên xảy ra, dư luận đã từng bàng hoàng bởi vụ án của sát thủ Lê Văn Luyện và có thể nói cho tới nay, vụ án “Lê Văn Luyện” vẫn ăn sâu vào tiềm thức của những người dân khiến sau bất cứ vụ án mạng nào dư luận cũng ví chúng với “Lê Văn Luyện”.

Xét ra, nguồn gốc của các vụ án này đều tương tự nhau. Các sát thủ đều là những kẻ nghiện game, thiếu tiền để chơi game nên đã nhẫn tâm giết người cướp của. Nhiều người đã cho rằng, cũng giống như Luyện, vì mải mê những trò bắn giết nhau trong game online, các sát thủ trẻ đã nhiễm và ra tay giết người không khác gì những cảnh trong game. Tuy nhiên, nhìn vào vụ án của Đào Văn Tài, ta có thể thấy rõ, Tài nghiện game, nhưng không phải game bạo lực, hắn chỉ nghiện chơi Vườn địa đàng – một trò chơi “hiền lành”, nhưng vẫn có thể ra tay giết người dã man. Vì vậy, ta có thể thấy rõ, game bạo lực không phải là nguyên nhân gây nên tội ác, nhưng nghiện game lại là một nguyên nhân lớn khiến tội ác dần hình thành.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, game là một trò chơi giải trí, thu hút người chơi bởi hình ảnh ảo, nhưng lại hấp dẫn vì giúp con người thỏa mãn được những thứ mà ngoài đời thực không mang lại cho họ, vì thế khi ngoài đời không như ý thì họ tìm đến game để thỏa mãn nhu cầu được chiến thắng, được làm anh hùng. 

Vì game ảo nhưng lại đáp ứng nhu cầu thực của con người nên nó khiến con người say mê, nghiện ngập như một thứ ma túy. Bên cạnh đó, những người nghiện game thường chỉ ngồi im một chỗ, ít giao tiếp với thế giới thực, dần dần sẽ phát triển không bình thường.  Đời sống thật mang đến một môi trường thật, giao tiếp thật, tình cảm thật, điều này game không mang lại. Và khi mê game, không có hoạt động thể chất, ngoại giao, con người sẽ không có tình cảm, dễ bị vô cảm, tâm lý dần bị phá hoại. Chính vì vậy mà trên thế giới vẫn có những sát thủ giết chết người thân của mình khi chỉ chơi game “không hề liên quan tới bạo lực” như game nông trại, trồng trọt!

Hiện trường thê lương của vụ án Đào Văn Tài giết người tại quán net

Sửa luật hay siết chặt giáo dục?

“Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”, những sát thủ này sau khi gây án đều bị bắt một cách nhanh chóng và phải chịu án phạt nhưng chỉ trong thời gian ngắn sau đó, lại có một vụ án tương tự xảy ra?! Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, “phải chăng vì luật pháp nước ta vẫn còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối với những tên sát thủ này vì vậy, cần phải sửa luật?”.

Có ý kiến cho rằng: “Thật sự không biết nói gì về lớp trẻ bây giờ, tàn nhẫn và mất nhân tính quá. Luật pháp cần nên sửa đổi để răn đe chứ dưới 18 tuổi là thoát tử hình nên bọn chúng đâu biết sợ là gì. Qua vụ án Lê Văn Luyện là tôi biết rõ thế nào cũng có thêm nhiều tên Luyện nữa vì luật dưới 18 là thoát án tử ! Pháp luật còn quá lỏng lẻo. Chính vì vậy mà tội phạm lứa tuổi vị thành niên ngày một tăng cao”.

Cùng dòng ý kiến này, một độc giả cho rằng: “Khi sự tự giác của con người không còn thì phải có luật “nắn”, từ buôn bán thực phẩm độc hại cho tới giết người, cướp của đều phải xử lý thật nghiêm!".

Ngoài ý kiến “phải sửa đổi luật pháp”, nhiều ý kiến cho rằng, “luật sinh ra thì lại có cách lách luật”, “hiền, dữ đâu phải tính người, phần lớn do giáo dục mà nên”.

Một ý kiến cho rằng: “Sau vụ Lê Văn Luyện tới vụ án này tôi cho rằng giáo dục cần phải thay đổi. Giáo dục phải xuất phát từ gia đình và nhà trường. Tôi thấy hiện nay gia định buông lỏng, giáo dục thì quên mất giáo dục cốt lõi của con người là văn hóa, dậy làm người. Cứ ham muốn cái gì là cũng giết người sao?. Đó chính là lỗi của giáo dục của gia đình và nhà trường. Những nhà làm giáo dục nên có tâm thay đổi giáo dục, phải coi cốt lõi của giáo dục là dậy làm người”.

Một ý kiến khác cũng cho rằng: “Tôi thiết nghĩ nếu áp dụng giáo lý Phật giáo vào hệ thống giáo dục Việt Nam, tổ chức các hoạt động ngoại khóa tăng cường, bồi đắp vào tâm tánh của những con người non trẻ này hạt giống từ bi, yêu thương mạng sống, biết thiểu dục,...như hoạt động từ thiện, bố thí giúp người, phóng sanh,... con người ai ai cũng biết nhân quả, nghiệp báo, biết "phàm làm việc gì cũng xét đến hậu quả của nó", khi ấy không cần pháp luật có những trừng phạt nặng nề xã hội này chắc hẳn đoạn tuyệt những việc ác như vậy”.

Ngoài những dòng ý kiến này, đông đảo độc giả cho rằng, cần phải “tổng hợp” cả 3 yếu tố “thay đổi luật pháp, đẩy mạnh giáo dục từ gia đình, thay đổi cách giáo dục “lý thuyết” từ nhà trường”.

Một độc giả chia sẻ: “Tôi mong rằng pháp luật sẽ làm chặt hơn nữa. Quan trọng hơn cả là các gia đình nên theo sát từng bước đi của con mình. Hãy tạo cho các con trẻ một môi trường tốt. Từ việc nhà nhà làm việc thiện, người người đọc sách tốt. Hãy luôn tìm cách hâm nóng tình cảm gia đình, yêu thương chăm sóc lẫn nhau, tạo nên một cái ngưỡng cao mà sự băng hoại đạo đức không thể vượt qua”...

Đúng như các ý kiến đã nêu, xâu chuỗi các vụ án mạng trên, chúng ta mới thấy giật mình và chua xót vì đạo đức của con người trong xã hội hiện đại đang bị xuống cấp trầm trọng, sự yêu thương “người với người” với nhau đã mất dần đi, sự quan tâm giáo dục con em đã không còn, sự giáo dục từ nhà trường chỉ là bề nổi cũng như pháp luật vẫn còn rất nhiều kẽ hở...Chúng ta không thể trách và đổ lỗi cho bất cứ lý do gì riêng lẻ mà phải  tổng hợp và nhìn nhận sự việc thật khách quan....

Và như một số độc giả đã nói: "nếu không muốn có những “Lê Văn Luyện” tiếp theo thì nên sửa đổi luật bởi luật tăng nặng sẽ làm chùn bước, nản lòng ý định giết người manh nha nảy sinh. Bên cạnh đó là sự quan tâm giáo dục song song từ gia đình và nhà trường - nơi gần gũi nhất đối với mỗi cá nhân".