Nhìn đâu cũng vướng

ANTĐ - Hơn 4 năm sau khi Bộ GD-ĐT quy định không được dạy thêm ở bậc tiểu học, các lớp học thêm vẫn tồn tại công khai trong sự bức xúc ngấm ngầm của nhiều bậc phụ huynh. Thế nên khi lãnh đạo TP.HCM tuyên bố xóa dạy thêm, vấn đề này lại lập tức nóng bỏng trên các diễn đàn.

Đầu năm 2012, Bộ GD-ĐT ra quy định không được dạy thêm ở bậc tiểu học, đồng thời hạn chế dạy thêm ở các bậc học cao hơn. Quy định nêu rất cụ thể không được phép dạy thêm với đối tượng nào, giáo viên thuộc diện nào không được phép mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường… Song quy định vẫn “mở” ra một “lỗ hổng” bằng việc loại trừ một số trường hợp, trong đó cho phép dạy thêm để “quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình”.

“Lỗ hổng” ấy chính là nguyên nhân khiến cho việc dạy thêm gần như không suy suyển thời gian sau đó. Bởi phụ huynh vẫn sợ con mình không theo kịp hoặc bị đối xử khác biệt trong một lớp có tới 60 học sinh, nên đành “tự nguyện” cho con đi học thêm, dù đứa trẻ mới lớp 1-2. Ở những bậc học cao hơn, chương trình học nặng hơn, “nguyện vọng” của phụ huynh cho con đi học thêm càng lớn.  

Từ những phân tích đó, có ý kiến cho rằng việc học thêm, dạy thêm tồn tại dai dẳng là do quy định không đến nơi đến chốn. Song thực tế cũng chưa hẳn là như vậy. Bởi  đến kỳ nghỉ hè, khi học sinh tạm không còn áp lực bài vở, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, tước đi quyền được vui chơi, giải trí của không ít học sinh. Thay vì được đi bơi, đi dã ngoại hay tham gia trại hè, học kỹ năng…, học sinh vẫn phải bù đầu với các môn văn hóa trong những gian phòng không đủ tiêu chuẩn dạy và học ở nhà thầy, cô. Trẻ thì chắc chắn là không muốn rồi, vậy thì nguyên nhân chỉ còn nằm ở một bộ phận phụ huynh, những người muốn con mình phải giành vị trí này, đạt thành tích nọ trong năm học tiếp theo.

Vậy thì làm thế nào để xóa dạy thêm, học thêm? Trả lương cao hơn cho giáo viên để họ không phải tìm cách tăng thu nhập ở các lớp dạy thêm? Chưa đủ, vì thực sự nhu cầu không biết bao nhiêu là đủ, và cốt lõi vấn đề nằm ở nhận thức, ở đạo đức nghề nghiệp của giáo viên hơn là vật chất. Tuyển chọn sinh viên vào các trường sư phạm gắt gao hơn, đề cao, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng phẩm chất giáo viên? Không dễ vì nếu phụ huynh vẫn thiết tha đề nghị, thầy cô nào “nỡ” chối từ.

Trong hoàn cảnh hiện nay, trường công không đủ, thi cử lúc nào cũng tạo ra áp lực nặng nề, không học thêm cũng khó vào trường tốt. Thế nên bức xúc với dạy thêm, học thêm là có thật, song nhìn đâu cũng vướng, nói xóa thì dễ, giải pháp gì để làm triệt để thì không dễ chút nào. Chính vì vậy, dư luận đang hồi hộp chờ xem TP.HCM sẽ bắt tay làm thực thế nào.