Nhịn ăn có phải là phương pháp tự chữa bệnh?

ANTĐ - Cho đến tận ngày nay, con người luôn nghi ngờ về khả năng tuyệt thực của mỗi chúng ta. Thời gian đó có thể là 1 tuần, 2 tuần rồi tới 1 năm, 2 năm hay nhiều hơn thế? Trong câu chuyện của Trudy Sharp, một người nội trợ 43 tuổi, do hệ tiêu hóa bị hỏng mà 3 năm liền không ăn bất cứ thực phẩm nào ngoài uống 3 tách trà mỗi ngày nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Thêm một lần nữa câu hỏi: nhịn ăn có phải là phương pháp chữa bệnh được đặt ra.

3 năm ròng không ăn, chỉ uống trà vẫn sống khỏe

Trudy Sharp hiện đang sống ở Milton Keynes, Bucks (Anh) cùng với chồng và con cái. Lần đầu tiên chị phát hiện mình gặp vấn đề rắc rối với hệ tiêu hóa là khi còn niên thiếu. Nhưng phải đến năm 40 tuổi, chị mới đồng ý tiến hành một cuộc giải phẫu cắt bỏ ruột kết. Kể từ sau cuộc phẫu thuật, chị Trudy phải nhịn ăn, thay vào đó là chỉ uống chất lỏng qua một chiếc ống được đặt trong cổ. Trong thời gian tuyệt thực, Sharp kết hợp với phương pháp nghỉ ngơi, hoạt động vừa phải trong đó đi bộ, không mặc quần áo bằng chất sợi tổng hợp mà mặc đồ cotton. Ngủ nhiều hơn bình thường, tắm nước ấm vài lần trong ngày hoặc tắm hơi. Thực hiện việc tự mát xa cơ thể 2 lần trong ngày hoặc làm các động tác thể dục hay yoga. Chính biện pháp này đã giúp Sharp thậm chí không ngừng công việc sinh hoạt hàng ngày. 

Hiện chị Sharp đang trong danh sách chờ cấy ghép bộ phận tiêu hóa trong Bệnh viện Churchill ở Oxford. Giáo sư Peter Friend, Giám đốc Trung tâm cấy ghép Oxford nói: “Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra sức khỏe của Sharp trong thời gian dài tuyệt thực. Kết quả thật kỳ diệu. Sức khỏe hiện tại của Sharp đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật. Việc cấy ghép thật sự rất khó, tỷ lệ thành công không nhiều, nhưng không có nghĩa là không thể thành công. Nếu cuộc phẫu thuật thành công thì cuộc sống người bệnh sẽ rất tốt”.

Nhịn ăn để chữa bệnh - không nên học theo

Vấn đề nhịn ăn để chữa bệnh đang được nhiều người quan tâm. Họ cho rằng, nhờ nhịn ăn đúng phương pháp, con người có thể tự chữa khỏi nhiều bệnh. Vậy điều này đúng hay sai? Ở Nhật Bản, bác sĩ Nacagawa đã áp dụng phương pháp nhịn ăn để tự chữa cho mình nhiều bệnh mạn tính. Trên cơ sở đó, bác sĩ Nacagawa đã thành lập Viện Điều trị nhịn ăn, theo ghi nhận, ông đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người khác. Ở phương Tây, bác sĩ Réne Lejeune cũng đã áp dụng phương pháp nhịn ăn và viết một cuốn sách nhan đề Nhịn ăn để chữa bệnh - Ngày hội của thân thể và tinh thần. Theo bác sĩ Réne Lejeune, cơ thể con người có sức chịu đựng rất cao, có nhiều thực nghiệm tiến hành cho người ta nhịn đói trong thời gian nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần. 

Trên cơ sở lý thuyết của nhịn ăn chữa bệnh là: khi nhịn ăn cơ thể sẽ phải tự tiêu hao phần thịt của mình để duy trì sự tồn tại do đó một số khối u, tổ chức viêm... sẽ được tiêu đi và thay vào đó là các tổ chức lành lặn. Tuy nhiên, việc nhịn ăn cũng khó thực hiện, người nhịn ăn phải có quyết tâm cao, khi nhịn ăn tuân thủ nghiêm ngặt một số nguyên tắc về ăn uống và cần có sự chỉ dẫn và theo dõi chặt chẽ của người có chuyên môn y tế để phát hiện và xử trí kịp thời những diễn biến không tốt xảy ra. Hơn nữa mỗi người có sự điều chỉnh, thích hợp khác nhau nên không phải ai áp dụng nhịn ăn cũng thu được kết quả. Đó là chưa kể đến một số trường hợp bị viêm phổi cấp, bệnh ác tính về máu, bệnh tim, suy nhược nặng... sẽ rất nguy hiểm khi áp dụng. Trong thời gian nhịn ăn có thể xảy ra những biến chứng, vì vậy phương pháp này không thể học theo. Đối với trường hợp chữa trị bệnh bằng phương pháp nhịn ăn, chỉ uống 3 tách trà mỗi ngày trong một thời gian dài tới 3 năm của chị Trudy Sharp là một trường hợp vô cùng hiếm thấy.