Nhiều trường trung cấp vẫn "khát" học sinh

ANTD.VN - Dù nhiều ngành đào tạo có đầu ra tốt với cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp nhưng một số trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) vẫn tuyển sinh rất vất vả, thậm chí có trường gần như không tuyển nổi người học.

Học nghề cũng là hành trang tốt để vào đời chứ không nhất thiết phải học đại học

Ngành có việc làm ngay vẫn ít học sinh

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm học vừa qua, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối TCCN của Hà Nội là 39.910 nhưng chỉ tiêu tuyển sinh mới đạt trên 57% với hơn 18.000 học viên. Trong đó, các ngành thu hút đông học viên theo học nhất là Y dược, Sư phạm mầm non, Hành chính văn thư.

Trong số hàng chục ngành đào tạo của TCCN hiện nay, một số ngành có đầu ra tốt với cơ hội có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp bao gồm: Hướng dẫn du lịch, Kỹ thuật chế biến, Xây dựng, Sư phạm mầm non, Dược. Tuy vậy, phản ánh từ nhiều trường cho thấy số lượng học sinh theo học một số ngành dạng này chưa cao.

Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn, ông Vũ Đức Tuấn cho biết, trong quá trình đào tạo của trường thì ngành thu hút học sinh nhất vẫn là Y dược, ô tô, tin học. Tuy nhiên, giống như các ngành đào tạo TCCN nói chung, các trường phải hết sức nỗ lực mới đạt được xấp xỉ chỉ tiêu tuyển sinh. 

Ông Phạm Văn Đại cho biết, hệ thống trường TCCN của Hà Nội hiện có 48 trường với hơn 80 chuyên ngành đào tạo, tuy nhiên chỉ có một số ngành nói trên được tập trung đào tạo vì đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động.

Những trường điển hình như Trung cấp Kinh tế Hà Nội 1, Trung cấp Cộng đồng, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn... đều có những định hướng đúng đắn về ngành nghề đào tạo như kết hợp đào tạo truyền thống mũi nhọn, đào tạo ngắn hạn, kỹ năng... nên hoạt động tương đối ổn định.

Một số ngành mới thu hút được học sinh như Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, Chăm sóc nuôi dạy trẻ ứng dụng phương pháp mới, Điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi... Tuy nhiên, toàn thành phố vẫn có 31/48 trường chỉ tuyển sinh được dưới 50% chỉ tiêu, thậm chí, trong đó 12 trường gần như không tuyển sinh được.

Chất lượng là lối thoát duy nhất 

Với nhiều trường TCCN đang hoạt động cầm chừng, thậm chí là “thoi thóp” hay đang đi vào “ngõ cụt” như đánh giá của chính những người trong cuộc, ông Vũ Đức Tuấn cho rằng, lối thoát duy nhất cho các trường chính là đảm bảo chất lượng.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT khẳng định, đang có sự mất cân bằng nguồn lực và lãng phí khi mà trong hệ thống giáo dục hiện nay chỉ có bậc đại học mới được chú trọng. “Hàng năm, có tới gần 300.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào THPT nhưng cũng không vào các trường nghề. Một số lượng lớn như vậy bỏ học là sự lãng phí lớn khi công tác phân luồng không tốt và hệ thống giáo dục nghề chưa đủ sức hút” - ông Vinh nhấn mạnh.

Bàn về sức hút đối với TCCN, ông Vũ Đức Tuấn cho rằng chỉ có xây dựng uy tín trên nền tảng chất lượng là cách thức duy nhất để đảm bảo đầu vào. “Gần như toàn bộ khoản chi thường xuyên của trường đều dồn hết vào đầu tư cơ sở vật chất tạo môi trường sư phạm, đặc biệt là cơ sở thực hành ngay tại trường, thay vì cho học sinh thực hành bên ngoài với nhận xét tốt dù có học được hay không học được gì.

Đồng thời, nhà trường tổ chức kiểm tra, thi vấn đáp để biết được học sinh tích lũy được gì, làm được gì chứ không phải chỉ tấm bằng. Bởi sắp tới kể cả ĐH, tấm bằng cũng không thay thế được thực lực” - ông Tuấn chia sẻ.

Liên kết đào tạo, tăng cường liên thông, hợp tác quốc tế cũng là những định hướng để các trường TCCN định hướng phát triển nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng. Ông Phạm Văn Đại đề xuất, để tạo cơ hội nâng cao trình độ cho học viên tốt nghiệp TCCN, Bộ GD-ĐT cần công bố rõ chỉ tiêu, hình thức tuyển sinh liên kết đào tạo, liên thông trình độ CĐ, ĐH cho các trường đủ điều kiện.

Bộ GD-ĐT cần tăng cường chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề nghiệp để định hướng, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc tiếp cận với quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Ông Phạm Văn Đại nêu vấn đề: “Hà Nội rất thiếu nhân lực về du lịch, nhưng câu hỏi là cần bao nhiêu người và ở trình độ nào thì lại chưa rõ ràng để ngành giáo dục có căn cứ để đảm bảo cung cấp đúng, đủ nhân lực”. Việc dự báo nhu cầu xã hội đặt hàng ngành giáo dục đến nay chưa có, do vậy, Hà Nội cần thành lập cơ quan cung cấp thông tin, thực trạng nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu sử dụng nhân lực nhằm giúp người học cũng như nhà trường có định hướng lựa chọn ngành nghề đào tạo.