Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012

Nhiều trường thay đổi “chiến thuật”

ANTĐ - Trước tình trạng nhiều ngành đào tạo phải đóng cửa trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2011, nhiều trường năm nay đã thay đổi “chiến thuật” khi đưa ra những tên ngành khá lạ nhưng hấp dẫn với thí sinh bởi khả năng đáp ứng cao nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Khối các trường xã hội tìm hướng thu hút thí sinh bằng những ngành đào tạo mới

Đổi mới để hút thí sinh 

Thực trạng ngày càng ít thí sinh đăng ký dự thi vào các khối ngành xã hội vì khả năng ra trường tìm việc làm thấp hơn nhiều so với khối ngành kinh tế, tài chính, đã thúc đẩy các trường chuyên khối xã hội phải có sự thay đổi về ngành nghề đào tạo. Một trong những điểm nhấn của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm nay là việc mở 2 chuyên ngành thuộc khối C, D1 là Công tác xã hội và Quản lý nhà nước. Hiện tại đang có sự trẻ hóa đội ngũ quản lý hành chính nhà nước. Nhu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn cao thay vì chỉ đi lên từ phong trào đoàn hội là một trong những lý do mà thí sinh trong khối xã hội nên chọn lựa vào những ngành mới này. Lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, những ngành này có ý nghĩa thiết thực trong vận dụng công việc thực tế cũng như cung cấp kỹ năng công tác xã hội chuyên nghiệp hơn. 

Với lĩnh vực du lịch, hiện tại các trường đang có xu hướng mở các chuyên ngành chuyên sâu, phù hợp với nhu cầu thực tế thay vì đào tạo hàng loạt nhưng không đi vào các lĩnh vực chuyên biệt. Ngay cả ĐH Điện lực năm nay cũng mở chuyên ngành Quản trị du lịch. Nhà trường cho biết, dịch vụ du lịch tới các nhà máy thủy điện hiện nay khá phát triển trong khi nhân lực chuyên nghiệp cho nhu cầu này vẫn bị bỏ ngỏ. ĐH Văn hóa Hà Nội mở thêm ngành Hướng dẫn viên du lịch quốc tế thuộc ngành Việt Nam học. Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN cũng công bố, từ năm 2012 nhà trường mở ngành học mới Quản trị du lịch - dịch vụ lữ hành. 

Khối sư phạm năm nay cũng mở thêm một số ngành sư phạm đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên ở bậc phổ thông và dạy nghề. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mùa tuyển sinh năm nay có thêm 3 ngành học, trong đó có 2 ngành đào tạo giáo viên dạy nghề là cử nhân ĐH Sư phạm kỹ thuật điện và Điện tử  và một ngành đào tạo giáo viên phổ thông là cử nhân ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tin học (50 chỉ tiêu/ngành).Theo lãnh đạo nhà trường, việc mở mới 2 ngành học Sư phạm kỹ thuật điện và điện tử dựa trên nhu cầu cao của xã hội về đội ngũ giáo viên dạy nghề trên toàn quốc. Ngành Sư phạm Kỹ thuật - Tin học cũng phù hợp với định hướng về đào tạo giáo viên dạy ghép môn ở trường phổ thông. 

Nhiều ưu đãi với ngành được nhà nước đặt hàng

Đối với những thí sinh có sự say mê và năng lực nghiên cứu thì năm nay có khá nhiều ngành mới mở mà cơ hội học bổng và việc làm khá cao. Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN công bố kế hoạch tuyển sinh chuyên ngành Vật lý điện hạt nhân với chỉ tiêu 50 sinh viên kèm theo thông tin khá hấp dẫn về việc tất cả sinh viên theo học ngành này sẽ được trợ giúp học bổng. Ngành học này không chỉ bó hẹp trong công việc tại các nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng mà còn có thể làm việc trong ngành y, dược và một số lĩnh vực công nghiệp khác. Năm 2020 dự kiến Việt Nam cần hơn 3.000 kỹ sư, 600 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân, quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử. Nhưng hiện cả nước chỉ có khoảng 600 cán bộ khoa học trong lĩnh vực này. 

Năm 2012, trường ĐH Kinh tế Quốc dân mở ngành mới Kinh tế Tài nguyên dự kiến 60 chỉ tiêu, thi khối A và D1. Đây là ngành đào tạo mới ở Việt Nam trong khối ngành Kinh tế học, được Bộ GD-ĐT giao cho trường ĐH Kinh tế Quốc dân đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao về kinh tế và quản lý tài nguyên. Để khuyến khích sinh viên học tập và phục vụ cho lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên quốc gia, trường ĐH Kinh tế Quốc dân có chính sách ưu tiên giảm 1 điểm so với điểm sàn chung vào trường. 

Tin cùng chuyên mục