Xét xử vụ Công ty CP Tuần Châu Hà Nội kiện đạo diễn Việt Tú:

Nhiều tình tiết mới được đưa ra tại phiên tòa

ANTD.VN - Chiều 14-3, Toà án nhân dân Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và bị đơn là Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm Tổng giám đốc.

Đây được xem là vụ kiện hy hữu bởi đề cập đến vấn đề tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam. Vụ tranh chấp này đã kéo dài  từ năm 2017 đến nay.

Sau một thời gian thụ lý và xem xét, TAND TP Hà Nội đã quyết định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Công ty TCHN kiện Công ty DS đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu vở thực cảnh “Ngày xưa”. Tại phiên tòa này, TAND TP Hà Nội cũng xem xét yêu cầu phản tố của Công ty DS đối với Công ty TCHN. Đạo diễn Việt Tú đã có mặt tại phiên tòa với tư cách bị đơn, còn phía Công ty TCHN cũng ủy quyền tham gia tố tụng với tư cách đại diện nguyên đơn cho bà Ngô Huỳnh Phương Thảo và bà Mai Thị Thảo.

Trình bày tại phiên tòa, đại diện Công ty TCHN khẳng định, phía này giữ nguyên yêu cầu  khởi kiện Công ty DS, tuy nhiên có thay đổi yêu cầu bồi thường theo hướng giảm từ hơn 6,2 tỷ đồng xuống còn hơn 6 tỷ đồng.

Đạo diễn Việt Tú và đại diện Công ty TCHN tại phiên xét xử sơ thẩm chiều 14-3-2019

Liên quan đến vụ kiện, đại diện Công ty TCHN cho biết, ngày 16-1-2015, đơn vị này và Công ty DS ký với nhau hợp đồng trị giá gần 7,4 tỷ đồng, sau đó tiếp tục ký kết phụ lục hợp đồng thỏa thuận về tiến độ thực hiện công việc với giá trị hơn 86 triệu đồng với nội dung giao cho Công ty DS thực hiện việc tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án thực cảnh của Công ty TCHN. Trên cơ sở hợp đồng này, phía đạo diễn Việt Tú đã xây dựng vở thực cảnh “Ngày xưa” (sau đổi tên thành “Thuở ấy xứ Đoài”).

Đại diện Công ty TCHN trình bày, phía này đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán hợp đồng với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng, đồng thời chi trả hơn 5,9 tỷ đồng cho các phát sinh khác như: trang phục, đạo cụ, âm thanh…Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện hợp đồng, Công ty DS do đạo diễn Việt Tú đứng đầu đã có những hành vi vi phạm hợp đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên Công ty TCHN.

Cụ thể, đại diện Công ty TCHN cho rằng, đơn vị này là chủ sở hữu quyền tác giả vở diễn “Ngày xưa” theo đúng quy định của pháp luật. Song Công ty DS đã tự ý đăng ký quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn này và được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận (trong đó kê khai tác giả kịch bản là đạo diễn Việt Tú, chủ sở hữu là Công ty DS). Phía Công ty TCHN khẳng định đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật cũng như các thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên và ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của Công ty TCHN.

Không chỉ vậy, phía Công ty TCHN cũng cáo buộc Công ty DS không chịu nghiệm thu sản phẩm theo đúng hợp đồng, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Chính vì vậy, Công ty TCHN đã thông báo dừng hoạt động, chấm dứt hợp tác với Công ty DS. Trên tinh thần thiện chí hòa giải, đơn vị này đã gửi công văn mời đại diện Công ty DS đến nghiệm thu và bàn giao sản phẩm nhưng phía Công ty DS không hợp tác.

Bởi thế, Công ty TCHN quyết định khởi kiện, yêu cầu Công ty của đạo diễn Việt Tú 3 việc: chuyển giao quyền sở hữu tác giả với kịch bản vở “Ngày xưa” cho Công ty TCHN; bồi thường thiệt hại cho Công ty TCHN với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Đại diện Công ty TCHN cũng đề nghị Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm (HĐXX) bác bỏ đơn phản tố của Công ty DS.

Đạo diễn Việt Tú tại phiên tòa

Trình bày tại phiên tòa với tư cách bị đơn, phía đạo diễn Việt Tú cùng luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc của Công ty TCHN, đồng thời giữ nguyên yêu cầu phản tố đối với đơn vị này.

Đạo diễn Việt Tú cho biết, anh đã có ý tưởng về việc tổ chức biểu diễn vở thực cảnh tại Việt Nam từ năm 2009. Khi đó, anh đã manh nha hình thành vở thực cảnh có tên gọi “Mặt nước hồn người”. Việc này có hai người làm chứng là nghệ sĩ Chu Lượng và nghệ sĩ Đinh Công Đạt. Sau đó khi Công ty TCHN có nhu cầu thì Việt Tú có cơ hội thực hiện ý tưởng này. Đạo diễn Việt Tú khẳng định anh đã có ý tưởng dựng vở thực cảnh “Ngày xưa” từ trước khi Công ty TCHN tìm đến hợp tác. Vị đạo diễn này cho rằng, cũng bởi không phải chuyện đặt hàng đơn thuần nên phía Công ty TCHN mới đồng ý với điều khoản sẽ để Công ty DS hưởng 10% doanh thu từ vở “Ngày xưa” trong suốt vòng đời vở diễn này, ngoài việc chi trả các chi phí đầu tư dựng vở.  

Cũng tại phiên tòa, luật sư đại diện cho Công ty DS đã cáo buộc Công ty TCHN xâm phạm quyền tác giả thông qua việc sao chép và thực hiện tác phẩm phái sinh khi chưa được sự cho phép của Công ty DS; đơn phương chấm dứt hợp đồng và ký kết hợp đồng với một đơn vị khác để tạo nên tác phẩm phái sinh này. Đại diện Công ty DS đưa ra yêu cầu Công ty TCHN phải thừa nhận vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh từ vở “Ngày xưa”. Đồng thời, phía đạo diễn Việt Tú yêu cầu Công ty TCHN bồi thường số tiền hơn 6,3 tỷ đồng bao gồm: tiền còn nợ để chi trả các khoản phát sinh từ tháng 1 đến tháng 5-2017; 10% doanh thu từ vở diễn thực cảnh phái sinh; chi phí pháp lý phát sinh…

Khẳng định trước phiên tòa, đạo diễn Việt Tú cho biết, Công ty DS không có ý định chiếm giữ bất cứ cái gì không thuộc về mình. Bản thân anh từng nhiều lần gửi email đề nghị Công ty TCHN tiến hành đăng ký quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn “Ngày xưa” song không được phúc đáp.

Đạo diễn Việt Tú cho biết, sở dĩ phía Công ty DS sau đó buộc phải chủ động đăng ký quyền sở hữu này tại Cục Bản quyền là để tránh những rắc rối cho cả hai bên. Cụ thể, trong hợp đồng mà hai bên ký kết có điều khoản bất lợi cho Công ty DS khi quy định: Công ty DS sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính pháp lý của kịch bản vở diễn, vì thế nếu như trong trường hợp có một bên thứ 3 đứng ra đăng ký trước quyền tác giả với một kịch bản tương tự thì đồng nghĩa với việc Việt Tú có thể bị nghi là “đạo, nhái” và việc đưa vở diễn vào hoạt động sẽ gặp khó khăn.

Cảnh trong vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài" do đạo diễn Việt Tú dàn dựng. Vở diễn do Công ty TCHN làm chủ đầu tư. 

Sau khi nghe hai bên trình bày, HĐXX phiên tòa đã tiến hành xét hỏi hai bên. Tại phần xét hỏi, phía Công ty TCHN nêu ra chi tiết lý giải, sở dĩ đơn vị này quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty DS còn bởi lý do băn khoăn về chất lượng vở diễn “Ngày xưa”. Theo đó, sau khi xem vở diễn này, đã có những người “rỉ tai” với lãnh đạo Công ty TCHN bày tỏ sự chưa hài lòng và chưa thấy vở diễn này chạm đến trái tim người xem. Tuy nhiên khi HĐXX hỏi, phía Công ty TCHN sau khi nghe những ý kiến đó có trao đổi lại với bên đạo diễn Việt Tú hay không thì đại diện Công ty TCHN cho biết “chưa có thông tin về việc này”.

Trong khi đó, phía đạo diễn Việt Tú khẳng định, sau 10 buổi công chiếu đầu tiên, vở diễn nhận được phản hồi rất tốt từ phía khán giả, bao gồm cả chủ đầu tư vở diễn. Vị đạo diễn này cho biết, khi Công ty TCHN quyết định dừng hợp tác thì vở diễn đã thực hiện xong 100%. Thời điểm đó, phía Công ty TCHN có gửi văn bản ghi rõ đơn vị này không có nhu cầu theo đuổi dự án, mong muốn chấm dứt hợp đồng, đề nghị hai bên gặp gỡ trao đổi, thanh toán các khoản còn thiếu...

Nhiều tình tiết mới được đưa ra tại phiên tòa ảnh 4

Cảnh trong vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng. Phía Công ty TCHN ký kết hợp đồng với phía đạo diễn Hoàng Nhật Nam dựng vở này sau "Thuở ấy xứ Đoài".

Một trong những điểm tranh luận đáng chú ý giữa hai bên tại phiên tòa là việc phía Công ty DS trưng ra các tấm vé mà bên này cho rằng được bán trong 10 buổi công diễn đầu tiên của vở “Ngày xưa”. Tuy nhiên, phía Công ty TCHN bác bỏ chi tiết này và cho rằng, 10 buổi diễn đó thực tế là buổi diễn thử, không phát hành vé hay thu bất cứ chi phí nào, đồng thời cho biết các tấm vé trên không có dấu của Công ty TCHN.

Về việc phía Công ty DS cho rằng đã gửi email đề nghị Công ty TCHN cùng đăng ký bản quyền tác giả với vở diễn “Ngày xưa” nhưng không được hồi đáp, đại diện Công ty TCHN cho biết, do phía Việt Tú gửi email cho cá nhân (trưởng phòng hành chính nhân sự của Công ty TCHN) và người này không báo cáo lại với lãnh đạo Công ty nên phía Công ty không biết.

Tại phiên tòa, HĐXX cũng đã trưng ra bản đánh giá từ Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam để phục vụ việc xét xử. Chủ tọa phiên tòa cho biết, ngày 3-1-2018, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã thành lập hội đồng thẩm định để xem xét 2 vở thực cảnh “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc Bộ” dựa trên kịch bản, video quay, bản vẽ, thiết kế 3D, ý tưởng nghiên cứu ban đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng…của cả 2 vở. Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định đưa ra kết luận vở “Tinh hoa Bắc Bộ” có nhiều điểm giống nhau về cơ bản với vở “Ngày xưa”. Trong trường hợp một vở có sau mà có sự giống nhau như vậy thì ở góc độ sân khấu, vở đó không thể coi là sáng tạo nghệ thuật  độc lập mà chỉ được coi là vở diễn phái sinh.

Phiên xét xử sơ thẩm vụ án kéo dài đến tối muộn ngày 14-3. HĐXX quyết định sẽ tuyên án vào sáng 20-3-2019.

Theo đó, khởi nguồn của vụ việc bắt đầu từ tháng 6-2017, khi đạo diễn Việt Tú công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên "Thuở ấy xứ Đoài" (tên gọi cũ “Ngày xưa) tại Sài Sơn, chùa Thầy. Đây là vở diễn do Công ty CP Tuần Châu Hà Nội(Công ty TCHN) làm chủ đầu tư và thuê Công ty Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS (Công ty DS) do đạo diễn Việt Tú làm Tổng giám đốc thực hiện. Sau chưa đầy 10 buổi công diễn, vở diễn đột ngột bị dừng lại.

Sau đó không lâu, vào tháng 10-2017, Công ty TCHN bất ngờ họp báo công bố ra mắt vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng và gọi đây là vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Vở diễn này cũng được dựng trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm Sài Sơn, chùa Thầy. Lý giải về sự thay đổi này, người đứng đầu Công ty TCHN cho biết buộc phải thay thế vở diễn do Việt Tú dàn dựng do “không chạm đến trái tim người xem”.

Sự việc không dừng lại ở đó khi vào tháng 12-2017, Công ty TCHN đã nộp đơn kiện đạo diễn Việt Tú ra TAND TP Hà Nội, cáo buộc đạo diễn này đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu vở thực cảnh “Ngày xưa” khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn này, đồng thời đòi phía Việt Tú bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng.

5 tháng sau, vào tháng 5-2018, Công ty DS cũng nộp đơn kiện Công ty TCHN, yêu cầu đơn vị này cùng các bên liên quan chấm dứt mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh “Ngày xưa”. Tiếp đó, vào tháng 8-2018, TAND TP Hà Nội tiếp tục thụ lý yêu cầu phản tố của Công ty DS, trong đó bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của Công ty TCHN, đồng thời đề nghị Công ty TCHN thừa nhận việc xây dựng tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” trên nền tảng vở diễn "Ngày xưa" và bồi thường thiệt hại.