Nhiều thí sinh không "chuộng" đăng ký xét tuyển trực tuyến

ANTĐ - Bước sang ngày thứ ba đăng ký xét tuyển đại học 2016, một số cán bộ tuyển sinh ở các trường đại học cho biết có nhiều trường hợp thí sinh ghi sai thông tin khiến việc nhập dữ liệu gặp khó khăn. Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho biết, quy định của Bộ là không thể khai lại, sửa chữa nên thí sinh bắt buộc phải chấp nhận đăng ký vào ngành mà mình chọn mã nhầm.

Thí sinh cẩn trọng trong việc đăng ký mã ngành vì không thể khai lại

Đã cho thử nghiệm vẫn mắc lỗi đăng ký trực tuyến

Sau 2 ngày đăng ký xét tuyển trực tuyến, các lỗi thường gặp của thí sinh nhiều nhất là đăng ký nhầm mã ngành nên không thể nhập dữ liệu vào hệ thống tuyển sinh. Nguyên nhân do có thí sinh tra mã ngành từ năm 2015 nên nhập vào hệ thống không khớp với mã ngành 2016.

Riêng với nhóm tuyển sinh riêng GX, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, thí sinh bắt buộc phải đăng ký thêm mã trường trước khi đăng ký mã ngành. Để giúp thí sinh nắm được chính xác mã ngành, nhiều trường ĐH đã phải in biển tấm lớn toàn bộ mã ngành của trường. ĐH Bách khoa Hà Nội đã phải in thông tin mã ngành, mã trường, chỉ tiêu của 12 trường thuộc nhóm GX, dán tại bảng tin khu vực nộp hồ sơ để thí sinh tham khảo nếu đến trường đăng ký xét tuyển.

Một vấn đề nữa mà nhiều thí sinh vấp phải là quá cẩn thận khi đăng ký cùng một lúc cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Theo chuyên gia tư vấn tuyển sinh của nhóm trường GX, có thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển tại trường nhưng vẫn đăng ký online thông qua trang web của Bộ GD-ĐT hay có trường hợp thí sinh đã nộp phiếu đăng ký xét tuyển tại một trường trong nhóm GX, sau đó sang nộp phiếu nữa tại trường khác cũng trong nhóm; hoặc vừa nộp qua bưu điện, vừa đăng ký online...

Trong khi đó, theo quy định, khi đăng ký xét tuyển vào các trường trong nhóm GX thì thí sinh chỉ cần nộp 1 phiếu đăng ký xét tuyển. Nếu nộp nhiều phiếu đăng ký thì hệ thống chỉ chấp nhận phiếu được nhập vào đầu tiên, các phiếu khác sẽ không có giá trị.

Ông Bùi Đức Triệu cho biết, đến sáng 3-8, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã nhận được khoảng 600 hồ sơ đăng ký trực tiếp. “Thí sinh cần đặc biệt lưu ý khi đăng ký xét tuyển là phải khai mã ngành đúng, tuyệt đối. Nếu khai không đúng, máy sẽ không nhập được vào hệ thống thì có thể sửa chữa, nhưng có trường hợp khai nhầm mã ngành thì chuyên viên không thể phát hiện. Trong khi đó, quy định của Bộ là không thể khai lại, sửa chữa nên thí sinh bắt buộc phải chấp nhận đăng ký vào ngành mà mình chọn mã nhầm” - ông Triệu nhấn mạnh.

Nộp lệ phí cách nào?

Tại một số hội đồng tuyển sinh của các trường vẫn gặp những trường hợp thí sinh và người nhà đến trực tiếp để nộp hồ sơ dù phải di chuyển hàng trăm cây số về Hà Nội. Thí sinh Nguyễn Tiến Đoàn từ Tuyên Quang có mặt tại trường ĐH Mỏ địa chất thắc mắc muốn nộp hồ sơ trực tuyến vào ĐH Mỏ địa chất nhưng không biết nộp lệ phí thi bằng cách nào. Phóng viên trao đổi với chuyên viên tuyển sinh của trường này thì được biết, thí sinh đăng ký trực tuyến không bắt buộc phải về trường nộp lệ phí mà có thể nộp trực tuyến hoặc chuyển phát nhanh qua bưu điện. 

Riêng về việc nộp lệ phí đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh phải cào thẻ điện thoại và nhập mã xét tuyển. Thí sinh có thể cào thẻ của 1 trong 3 nhà mạng: Viettel, Vinaphone và Mobiphone có mệnh giá 50.000 đồng để nộp mức phí đăng ký xét tuyển 30.000 đồng hoặc mệnh giá 100.000 đồng để nộp mức phí đăng ký xét tuyển 60.000 đồng (đăng ký 2 trường).

Thí sinh sẽ mất thêm dịch vụ nhà mạng được tính bằng 20% mệnh giá thẻ cào. Sau khi đã khấu trừ phí đăng ký xét tuyển và phí dịch vụ nhà mạng, số tiền thừa từ 10.000 đồng trở lên sẽ được chuyển vào tài khoản thuê bao điện thoại của thí sinh sau khi kết thúc thời gian nộp phí xét tuyển (14-8-2016). Tiền thừa dưới 10.000 đồng sẽ không được công ty dịch vụ trả lại do mệnh giá nhỏ nhất của thẻ cào là 10.000 đồng. 

Bên cạnh đó, thí sinh cần chú ý, không phải trường nào cũng áp dụng hình thức đăng ký trực tiếp tại trường. ĐH Đà Nẵng năm nay là một trong những trường không thu hồ sơ trực tiếp tại trường. PGS. Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết ngày đầu tiên nộp hồ sơ cũng có vài chục thí sinh đến trường.

Tuy nhiên, trường kiên quyết không nhận hồ sơ trực tiếp. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường ĐH công bố hình thức nhận hồ sơ rõ ràng. Các thí sinh cần lên website của trường để biết thông tin, tránh việc đi lại mất thời gian và tốn kinh phí. “Với hình thức đăng ký nào, dữ liệu của thí sinh cũng sẽ được cập nhật về phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, do đó, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga thông tin.