Nhiều thách thức ở SEA Games 27

ANTĐ - Bên cạnh việc thuê chuyên cơ di chuyển để các tuyển thủ không bị mất sức, lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 27 đã lên các phương án “đối phó” với sân chơi “ao làng”, vốn còn không ít  bất công.
Nhiều thách thức ở SEA Games 27 ảnh 1
Các võ sỹ Việt Nam (trái) buộc phải thể hiện ưu thế vượt trội trước đối thủ
để hạn chế mất huy chương vì bị xử ép


Bí mật số VĐV tham dự

Trong bối cảnh bị nước chủ nhà cắt giảm phần lớn môn, nội dung thế mạnh, mục tiêu giành 76 HCV tại SEA Games sắp tới của đoàn thể thao Việt Nam thực sự là một thách thức. Ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng mặt chuyên môn, những “chiến thuật” bên lề khác cũng đã được tính đến. Trao đổi với phóng viên ANTĐ hôm qua 17-10, ông Lâm Quang Thành – Phó tổng cục trưởng, Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 27, tiết lộ: “Chúng tôi đã hoàn tất đăng ký số VĐV tham dự các bộ môn theo yêu cầu của nước chủ nhà. Lãnh đạo đoàn đã đăng ký số lượng tối đa nhưng số lượng VĐV thực tế tham dự vẫn chưa được quyết định”. Con số “thực” được ông Thành chia sẻ với phóng viên trong nước tại buổi họp báo trước đó là hơn 500 VĐV. 

Sẵn sàng chịu... xử ép

Chuyện chủ nhà Myanmar thẳng thừng đòi chia chác huy chương trước thềm Đại hội đang dấy lên lo ngại về những trận đấu không công bằng, ảnh hướng tới mục tiêu 76 HCV, xếp thứ 3 toàn đoàn của Việt Nam. Nếu như ở các môn mũi nhọn như điền kinh (dự kiến cử 30 VĐV) và bơi (13 VĐV), thành tích dựa vào các thông số cụ thể nên dự tính huy chương rất sát thực tế, thì với các môn võ (vốn chấm điểm theo cảm tính) như vật, judo, taekwondo, boxing, karatedo, wushu, pencak silat, vovinam, muay, kempo lại chứa đựng nhiều rủi ro bị xử ép, thiên vị. Lịch sử cho thấy hầu như ở kỳ SEA Games nào, đoàn Việt Nam cũng gặp những trường hợp VĐV bị trọng tài xử ép. Đơn cử như SEA Games 26 vừa qua, Hoàng Hiệp (karatedo), Lương Thị Quyên (vật) và nhiều võ sỹ khác của Việt Nam đã phải bật khóc nức nở ngay trên sàn đấu vì bị “cướp” huy chương trắng trợn. Theo Trưởng đoàn Lâm Quang Thành, cách duy nhất để hạn chế “thực tế nghiệt ngã” này là VĐV phải thể hiện ưu thế vượt trội trước đối thủ. Thế nên lãnh đạo đoàn cũng như các bộ môn đều phải quán triệt tới các VĐV tinh thần có thể phải chịu xử ép bất cứ lúc nào.