Nhiều tập đoàn, tổng công ty thua lỗ nặng

ANTĐ - Ngày 18-7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách 2010 và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2010. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm tại bản báo cáo của KTNN là kết quả kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 

Một trong những điển hình thua lỗ năm 2010 là Tập đoàn Điện lực Việt Nam

với khoản lỗ lên tới 8.146 tỷ đồng

Thua lỗ, hiệu quả thấp, nguy cơ mất vốn… là những vấn đề mà KTNN đã chỉ ra sau khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của 268 doanh nghiệp thuộc 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 

Kết quả kiểm toán tại 21 tập đoàn, tổng công ty đã điều chỉnh tổng tài sản, nguồn vốn giảm 8.116 tỷ đồng, tổng doanh thu-thu nhập thuần giảm 240 tỷ đồng, tổng chi phí tăng 6.875 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 7.116 tỷ đồng, thuế và khoản còn nộp NSNN tăng 937,8 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với lợi nhuận trước thuế lỗ tới 8.146 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng. 

Kết quả kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty cũng sụt giảm mạnh so với năm 2009, ví dụ như, tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) lợi nhuận trước thuế là 1.073 tỷ đồng, giảm 33,65%. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có lợi nhuận trước thuế là 268,8 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2009. Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện có lợi nhuận đạt 85,3 tỷ đồng, giảm 16,43%...

Tại nhiều doanh nghiệp, do kinh nghiệm quản trị kém và ảnh hưởng của kinh tế thế giới nên hoạt động đầu tư hiệu quả thấp, bị thua lỗ,  như  Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản là 7,94%, vào lĩnh vực cơ khí, đóng tàu là 4,61%, vào lĩnh vực khác chỉ 0,41%. Tập đoàn EVN, tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản là 7,83%; vào viễn thông lỗ 1.057,7 tỷ đồng (chưa bao gồm 1.026 tỷ đồng thiết bị đầu cuối chưa phân bổ từ năm 2006-2008). 

Tại công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán là 8,63%. Hoạt động đóng tàu, bất động sản của Vinalines chưa thu được lợi nhuận dù đã đầu tư nhiều năm. Đặc biệt, nhiều tổng công ty đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực chứng khoán, dẫn đến thua lỗ, điển hình như Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn thất thu do đầu tư cổ phiếu xấp xỉ 360 tỷ đồng …

Những “ưu ái” dành cho các tập đoàn, tổng công ty phần nào cũng được chỉ ra tại báo cáo, cụ thể, có 11/21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu trên vốn chiếm dụng, vốn vay. Trong đó, một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao nên dễ gặp nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính, có doanh nghiệp huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn. Nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 9,19 lần; của Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng là 4,79 lần; Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) là 4,01 lần; Tập đoàn EVN là 3,83 lần, của Vinalines 3,12 lần, của Tập đoàn TKV 2,15 lần…

Kết luận của KTNN cũng nêu rõ, các doanh nghiệp đã hạch toán, kê khai thuế và các khoản phải nộp ngân sách theo quy định nhưng đa số doanh nghiệp Nhà nước xác định, kê khai thuê và các khoản phải nộp vào ngân sách chưa đầy đủ. Số thuế và các khoản còn phải nộp vào ngân sách nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán tính đến 31-12-2010 là 7.579 tỷ đồng. Trong số này, số kiến nghị thu tăng thêm của KTNN là 545 tỷ đồng.

Việc quản lý đất đai, tài nguyên của các tập đoàn, tổng công ty vẫn bị buông lỏng, KTNN cho biết, hiện tại các tập đoàn, tổng công ty đang quản lý, sử dụng số lượng lớn diện tích đất đai và tài nguyên nhưng nhiều diện tích đất chưa được các địa phương ký hợp đồng cho thuê hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra các đơn vị còn sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không đúng quy hoạch, không hoặc chậm xây dựng các công trình công cộng khi thực hiện các dự án đô thị, chưa kiểm soát tốt tài nguyên, khoáng sản được giao… 

Giá điện có thể giảm 34 đồng/kWh, nếu...

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – ông Lê Minh Khái, khi xem xét hết các khoản thu, chi thuộc kinh doanh ngành điện thấy có những khoản giúp giảm chi phí qua đó giảm giá thành điện, tuy nhiên các khoản trên vẫn chưa được hạch toán do quy chế quản lý tài chính. 

Cụ thể, các khoản thu như cho thuê cột điện, thanh lý vật tư hàng hóa đầu tư cho ngành điện, thu công suất phản kháng... trị giá 400 tỷ đồng, tương đương với khả năng giảm 5 đồng/kWh. Ngoài ra, các khoản thu từ hoạt động kinh doanh khác là trên 2.900 tỷ đồng, tương ứng với khả năng giảm 29 đồng/kWh. Như vậy, gộp 2 khoản trên giá điện có thể giảm được 34 đồng/kWh.

Trước kết quả trên, KTNN đang kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát tất cả những khoản trong quy chế tài chính để báo cáo với Bộ Tài chính và những cơ quan liên quan để chỉnh sửa các nội dung hạch toán, phù hợp hơn.