Nhiều sản phẩm thải loại buộc phải thu gom

ANTĐ - Theo ThS. Nguyễn Văn Hưng - Tổng cục Môi trường, hoạt động thu gom, xử lý đối với các sản phẩm thải bỏ đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, công nghệ thu gom, xử lý lạc hậu, ý thức của con người còn hạn chế, thiếu kiến thức về môi trường, quan tâm đến các lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua các lợi ích môi trường.

Nhiều sản phẩm thải loại gây nguy hại cho môi trường vẫn chưa được thu gom xử lý

Ắc quy, săm lốp... sẽ nằm trong danh sách 

Hiện nay, hoạt động thu gom, xử lý đối với các sản phẩm thải bỏ chủ yếu do doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tái chế chất thải hoặc hộ gia đình tại các làng nghề thực hiện mà chưa có sự gắn kết trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan như doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng.

Hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu về cơ bản không được thực hiện mà chủ yếu thông qua 2 hình thức. Đối với sản phẩm có giá trị sau khi tái chế (ắc quy, thiết bị điện, điện tử), doanh nghiệp sản xuất thu hồi rất ít (chủ yếu là sản phẩm bị hỏng còn thời hạn bảo hành) do các tổ chức và cá nhân thu gom, sau đó chuyển về cho các cơ sở tại các làng nghề, sử dụng công nghệ lạc hậu xử lý. 

“Đây là nguyên nhân đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề. Đối với các sản phẩm không có giá trị như bóng đèn huỳnh quang, compact, pin... người tiêu dùng thường bỏ lẫn vào hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt hoặc vứt ra ven đường, nơi công cộng mà không được xử lý, gây ô nhiễm hoặc tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, ThS. Nguyễn Văn Hưng chỉ rõ.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ nhằm triển khai thực hiện Điều 67 của Luật Bảo vệ môi trường quy định về việc chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ như nguồn phóng xạ sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Các loại pin, ắc quy, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; Dầu nhớt, mỡ bôi trơn, bao bì khó phân hủy trong tự nhiên; Sản phẩm thuốc, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thuốc chữa bệnh cho người; phương tiện giao thông, săm, lốp.

Tăng tính trách nhiệm

Theo các chuyên gia, quyết định được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cụ thể. Thứ nhất là không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định hiện hành về quản lý chất thải. Thứ hai thu hồi sản phẩm thải bỏ là trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm và người tiêu dùng. Thứ ba là cần có lộ trình để doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Và cuối cùng là sự tham gia của các tổ chức và cá nhân liên quan để hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ đạt hiệu quả.

Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định cũng ban hành kèm theo danh mục sản phẩm thải bỏ, thời điểm thu hồi và xử lý. Theo đó, chỉ có những sản phẩm thải bỏ thuộc danh mục này mới phải bắt buộc phải thu hồi và xử lý.

Để đảm bảo tính khả thi, Quyết định đưa ra lộ trình thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ thời gian cần thiết chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực thực hiện việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Một trong những nhóm sản phẩm phải thu hồi và xử lý sớm nhất là thiết bị điện, điện tử vào năm 2015, còn xe mô tô, xe gắn máy và ô tô có thời điểm bắt đầu thu hồi muộn nhất vào năm 2018.

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Điểm thu hồi là nơi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có nghĩa phải đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, chẳng hạn như tại điểm thu hồi thì sản phẩm thải bỏ được lưu giữ trong thùng kín, không rò rỉ, rơi vãi, phát tán ra môi trường. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, việc ban hành quyết định quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ là nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm đó được xử lý đảm bảo môi trường.

Tin cùng chuyên mục