Nhiều sách lậu đắt hơn sách thật

ANTĐ - Nạn in lậu, xâm phạm quyền tác giả đang ngày một nhức nhối. Mặc dù các cơ quan quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng hiệu quả vẫn chưa được bao nhiêu. 

Nếu không cân nhắc, bạn đọc có thể mua phải sách chất lượng kém với giá đắt hơn sách thật

(Ảnh minh họa)

Tiếp tay cho... ăn cắp

Trong cuộc hội thảo “Chống in lậu và sách giả” do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức sáng 13-11, nhiều ý kiến bức xúc về nạn sách giả, in lậu, xâm phạm bản quyền tác giả và các giải pháp đã được nêu ra. Chẳng hạn như việc đề xuất sử dụng mẫu Tem chống giả  SMS-VNPV trong việc chống sách lậu. Áp dụng tra cứu qua tin nhắn thông tin về sách được dán mác.

Tuy nhiên, cách làm này chưa nhận được sự tin tưởng từ phía những người làm phát hành sách. Đa phần các ý kiến đều cho rằng đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn mà chưa làm từ gốc, căn nguyên của vấn đề nằm ở ý thức và giá cả. Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng sách giả được in lậu với chất lượng kém hơn, chi phí thấp nên có giá bán rẻ hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà đã đưa ra một thông tin gây “sốc”: “Nhiều cuốn sách in lậu có giá bán niêm yết cao hơn nhiều giá sách thật”.

Đơn cử như cuốn “Người nam châm”, “Nghe bố này con gái” của Thái Hà Book bị dân làm lậu đẩy giá lên gấp 1,5 lần. Như vậy trừ cả chiết khấu cho những độc giả ham rẻ, những kẻ làm sách lậu vẫn lãi hơn nhiều công ty phát hành sách. Chưa kể những cuốn sách giả này có nội dung sai lệch, kém thẩm mỹ đơn cử như cuốn “Sống như Tiểu Cường” bị những kẻ làm sách lậu làm giả thành “Sống Tiểu Cường”. Và chính những độc giả mua sách lậu là người đầu tiên chịu hậu quả, trở thành những người phải tiếp nhận những nội dung sai, kém thẩm mỹ. Và thậm chí còn phải mua những nội dung sai đó với giá quá đắt. Nhiều ý kiến cùng chung quan điểm với ông Hùng khi cho rằng vấn đề chính nằm ở phía một bộ phận độc giả vẫn chấp nhận mua sách giả, sách lậu. Đó chẳng khác nào việc tiếp tay cho sự ăn cắp chất xám.  

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Thực tế công tác kiểm tra cũng cho thấy ở bất kỳ thời điểm kiểm tra nào cũng có sách lậu và tình trạng này hết sức trầm trọng. Tuy nhiên việc xử lý vẫn chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính hoặc bản án quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Kẽ hở để các cơ sở in và đầu nậu mặc sức hoành hành nằm ở quy định, cơ sở in chỉ cần đăng ký kinh doanh là được hoạt động, trong khi cơ quan cấp đăng ký kinh doanh lại không có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động in. Chính vì thế, số lượng các cơ sở in tăng nhanh chóng chỉ trong vòng 8 năm. Trước năm 2004 cả nước có hơn 160 cơ sở in đều thuộc sở hữu Nhà nước còn tại thời điểm này, con số đó đã lên gần 1.500 cơ sở in công nghiệp. Trong số đó chỉ có 1/3 chịu sự điều chỉnh, kiểm soát của Luật Xuất Bản và Nghị định 105/CP, còn lại gần 2/3 cơ sở cộng với khoảng 10.000 cơ sở in lưới, in quảng cáo,         photocopy không có khung pháp lý điều chỉnh, tức là không chịu bất cứ sự điều chỉnh nào của pháp luật chuyên ngành, nên họ mặc nhiên hiểu không ai quản lý, tự do hoạt động. 

Hầu hết các cơ quan quản lý đều viện lý do thể chế quản lý không thống nhất, thiếu phối hợp với các cơ quan chức năng, thanh, kiểm tra hiệu quả không cao vì chủ yếu theo kế hoạch, ít có thông tin để kiểm tra đột xuất. Đặc biệt, chế tài xử lý không đủ mạnh, thậm chí khung hình phạt xử lý vi phạm hành chính cao nhất là 40 triệu đồng, xử lý hình sự cao nhất là một năm tù giam nên không đủ sức răn đe. Như trường hợp trùm in lậu Nguyễn Hữu Chiến chỉ phải thụ án 1 năm, ngay sau khi ra tù, Chiến lại tiếp tục hành nghề buôn bán sách lậu…

Nhiều ý kiến cho rằng, phải tăng mức xử phạt, trong đó nhấn mạnh đến việc áp dụng điều luật tịch thu tang vật. Bởi từ trước tới nay, hầu hết các vụ bắt sách lậu đều chỉ tịch thu tang vật là sách lậu mà chưa áp dụng đối với các thiết bị in công nghiệp. Các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cho rằng, chỉ cần tịch thu các công cụ in, ngay lập tức sẽ tạo được hiệu quả răn đe. Bởi một bộ máy in có giá lên tới vài tỷ đồng, khi bị tịch thu, sẽ là một cách hữu hiệu để ngăn chặn những kẻ in lậu tái phạm. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh luật áp dụng đối với cả những cơ sở in lưới để quản lý có hiệu quả hơn hoạt động in ấn. Tuy nhiên, trong khi chờ những chuyển biến tích cực, biện pháp hữu hiệu nhất đối với các doanh nghiệp là phải… tự bảo vệ mình. Như giải pháp mà Tiến sỹ Nguyễn Đăng Quang - nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra đó là sử dụng tem chống giả.