Nhiều quan chức Afghanistan bí mật sở hữu biệt thự xa xỉ ở Dubai Mansions

ANTD.VN - Sở hữu tài sản ở nước ngoài không phải là bất hợp pháp và việc đó không ngụ ý bất kỳ hành vi sai trái nào, nhưng nghi ngờ về tham nhũng đang gia tăng khi một số quan chức cấp cao Afghanistan cùng gia đình họ bí mật sở hữu các bất động sản xa xỉ ở Dubai.

Các tài sản đó thường bị bỏ qua hoặc nếu có được kê khai chính thức theo như quy định của Afghanistan thì cũng rất ít, bởi các quy tắc chống tham nhũng không hiệu quả.

“Quá dễ dàng cho các quan chức mua tài sản ở Dubai ở chế độ ẩn danh. Điều này không có nghĩa là những người đó tham nhũng. Tuy nhiên, đó là dấu hiệu cảnh báo và cần được cơ quan chức năng điều tra” - bà Maira Matini từ Tổ chức minh bạch quốc tế cho biết. 

Gia sản bí mật ở nước ngoài

Cục Điều tra Báo chí, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở London, mới đây đã thu thập được một số hồ sơ về các tài sản bí mật của quan chức Afghanistan ở Dubai. Đứng đầu trong danh sách này là Ahmad Wali Massoud, ứng viên Tổng thống hiện nay. Tư liệu rò rỉ qua đường ngoại giao cáo buộc rằng, vào tháng 10-2009, Ahmad Zia Massoud - anh trai của ông này - khi đó là Phó Tổng thống Afghanistan đã bay tới Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) với 52 triệu USD tiền mặt.

Cũng trong hồ sơ còn có Adib Ahmad Fahim, một quan chức tình báo cấp cao. Người cha quá cố của ông này - tướng Mohammed Qasim Fahim - một cựu Phó Tổng thống khác, được xác định là chủ sở hữu một phần của Hãng hàng không Pamir và tiền được chuyển đến Dubai giấu trong các khay đựng thức ăn trên máy bay. Haseen - chú của ông Fahim - là một cổ đông lớn của ngân hàng Kabul, ngân hàng đã phá sản năm 2010 do bê bối cho vay nội bộ hàng triệu USD.

Những tên tuổi khác có thể kể ra như: Ghulam Farooq Wardak - Bộ trưởng Nhà nước về các vấn đề Quốc hội cùng với vợ mình gần đây sở hữu 2 tài sản trong các khu vực độc quyền của Dubai. Ông Wardak trước đây là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Afghanistan và nhiệm kỳ đó Bộ này có lùm xùm về tham nhũng. Bên cạnh đó, 2 thành viên của Quốc hội Afghanistan là 2 cha con ông Saleh Mohammad Lala Gul sở hữu biệt thự hạng sang có hồ nhân tạo và hồ bơi ở Jumeirah (Dubai).

Về người thân của quan chức, nổi bật là Mahmood Karzai, anh trai của cựu Tổng thống Hamid Karzai. Ông này cũng là một cổ đông của Ngân hàng Kabul cùng với chú của quan chức tình báo Adib Ahmad Fahim. Có những lo ngại rằng ông này tìm cách lợi dụng sự gần gũi của mình với lãnh đạo hàng đầu Afghanistan để bảo vệ ngân hàng khỏi sự giám sát chặt chẽ hơn, nhưng cuối cùng nó cũng bung bét và sụp đổ.

Nan giải chống tham nhũng

Luật pháp Afghanistan yêu cầu những người có chức quyền công khai tài sản và nguồn vốn của họ cũng như của những người thân, tuy nhiên, quy định còn lỏng lẻo và có nhiều lỗ hổng. “Các hình thức về tài sản không đầy đủ, dữ liệu được công bố không nhất quán và không được xác minh, thậm chí đôi khi mâu thuẫn. Có thể nói đó là một hệ thống vô dụng chỉ nhằm đối phó với các nhà tài trợ quốc tế” - ông Sayed Ikram Afzali, Giám đốc tổ chức chống tham nhũng mang tên Theo dõi liêm khiết Afghanistan nói.

Trong 20 năm qua, Afghanistan đã xảy ra nhiều vụ bê bối tham nhũng, một số trong đó rơi vào các quan chức cấp cao. Từ các hợp đồng thời chiến đến viện trợ nước ngoài không được kiểm soát, từ các vali CIA đầy tiền mặt cho đến các chính trị gia và lãnh chúa có đặc quyền, tham nhũng luôn là vấn đề nan giải của nước này. Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Afghanistan đã nói: “Afghanistan vốn đã có vấn đề tham nhũng trước năm 2001, liên minh do Mỹ dẫn đầu tiếp tục đổ tiền vào đây giống như thêm xăng vào lửa đang cháy”.

Tháng trước, Mỹ tuyên bố sẽ cắt giảm 160 triệu USD viện trợ, cáo buộc Afghanistan đã không chống tham nhũng, chỉ 1 tuần trước khi cuộc bầu cử Tổng thống của nước này bắt đầu. Rất hiếm khi Washington rút tiền tài trợ trực tiếp từ Kabul, nơi phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ.

Năm 2018, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã thành lập văn phòng chống tham nhũng với nhiệm vụ kê khai tài sản của các quan chức Nhà nước. Tuy nhiên, tranh cãi nổ ra khi ông Karzai bổ nhiệm một quan chức từng bị buộc tội gian lận bầu cử làm người đứng đầu văn phòng này, dẫn đến việc nó bị đóng cửa. Các quy định chặt chẽ hơn được đưa ra vào năm 2017, nhưng tới nay việc đăng ký tài sản đối với các quan chức vẫn bị coi là thất bại.