Sau vụ việc trẻ bị tiêm thiếu vaccine:

Nhiều phụ huynh muốn đưa con đi xét nghiệm

ANTĐ - Khoảng một tháng nay, sau sự cố “ăn bớt” vaccine tại Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội, do tâm lý lo ngại khả năng con mình có thể bị tiêm thiếu vaccine, khá nhiều phụ huynh ở Hà Nội có nhu cầu đưa con đi xét nghiệm kiểm tra kháng thể. 

Xét nghiệm kháng thể là chưa đủ để kết luận tiêm thiếu vaccine hay không

Một cán bộ TTYTDP Hà Nội cho biết, từ khi cơ quan này lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến tiêm chủng dịch vụ sau sự cố “tiêm thiếu vaccine” tại phòng tiêm chủng của Trung tâm, số phụ huynh gọi đến khá nhiều. Trong đó, bên cạnh những câu hỏi, xin tư vấn về việc tiêm chủng, có không ít người trực tiếp đặt câu hỏi liệu con của họ có bị tiêm thiếu vaccine hay không, nếu tiêm thiếu thì tác hại thế nào và có thể đưa con đến đâu để làm xét nghiệm kháng thể xem thực sự con họ có được tiêm đủ liều?... 

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội chia sẻ, không chỉ qua đường dây nóng mà nhiều phụ huynh cũng đặt các câu hỏi, xin ý kiến tư vấn về tiêm chủng trên các diễn đàn mạng internet và bản thân ông đã trực tiếp lên mạng trả lời những thắc mắc, phản ánh của nhân dân. Theo đó, với những loại vaccine đơn chất thì việc xét nghiệm kiểm tra kháng thể không khó, tuy nhiên với các loại vaccine phối hợp như vaccine “3 trong 1”, “5 trong 1” hay “6 trong 1” thì hiện TTYTDP Hà Nội đang liên hệ với nhiều đơn vị như BV Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, BV Nhi Trung ương… để có những thông tin liên quan đến quy chuẩn, quy trình xét nghiệm kháng thể.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định, các Viện vệ sinh dịch tễ hay Viện Pasteur tại nước ta hiện có đủ khả năng làm các xét nghiệm đánh giá sự hiện diện kháng thể sau tiêm vaccine. Về nguyên tắc, nếu vaccine được tiêm đúng, đủ liều thì chắc chắn đáp ứng miễn dịch, còn trong trường hợp tiêm không đúng quy trình, thiếu liều hay tiêm vaccine đã hết hạn thì hiệu quả phòng bệnh có thể bị ảnh hưởng. Do đó, nếu người dân có nhu cầu xét nghiệm định lượng kháng thể sau tiêm vaccine thì ngành y tế có thể triển khai, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này. Tuy nhiên, GS. Nguyễn Trần Hiển cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh chỉ nên đưa con đi làm xét nghiệm này trong trường hợp cảm thấy thực sự cần thiết, còn nếu chỉ vì tâm lý số đông thì không nên bởi việc xét nghiệm là một quy trình phức tạp và tốn kém.

Chẳng hạn, với loại vaccine “5 trong 1” như Petaxim, do chúng có đến 5 kháng nguyên trong 1 lọ thuốc nên việc xét nghiệm theo dõi nồng độ của các kháng thể phải được tiến hành từng bước, đối với từng kháng nguyên một. Điều này cũng có nghĩa những trẻ đã tiêm loại vaccine này, để có thể biết đã được tiêm đủ vaccine hay tiêm thiếu, lượng kháng thể từ vaccine có đáp ứng đủ hay không thì sẽ phải được tiến hành 5 loại kỹ thuật khác nhau với 5 lần xét nghiệm khác nhau. Thực tế là trước nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hay các Viện Pasteur rất hiếm khi làm xét nghiệm kháng thể đối với các tác nhân do vi khuẩn và virus có trong thành phần     vaccine “5 trong 1” mà chủ yếu chẩn đoán ca bệnh dựa trên các kỹ thuật phân lập và sinh học phân tử. Kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng thể chủ yếu chỉ sử dụng trong các công trình nghiên cứu là chính.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh, trường hợp trẻ tiêm vaccine không đủ liều thì phụ huynh nên cho con tiêm nhắc lại chứ không cần thiết phải đưa trẻ đi làm các xét nghiệm kiểm định lượng kháng thể. Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ có phác đồ tiêm nhắc lại cho phù hợp, việc tiêm nhắc lại này không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, khi xét nghiệm tìm kháng thể sau tiêm vaccine sẽ xảy ra 2 trường hợp: nếu kháng thể của em bé đầy đủ thì chắc chắn là được tiêm đầy đủ vaccine; còn nếu kháng thể không đủ thì cũng không hẳn là do bé bị tiêm thiếu vaccine vì trường hợp này xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Cụ thể như: thực hiện tiêm chủng không đúng quy trình, kỹ thuật tiêm không đúng, tiêm thiếu liều lượng, tiêm sai vị trí, tiêm không đúng lịch hoặc thiếu mũi, quy trình bảo quản vaccine không đúng cách, hoặc cũng có thể do cơ địa của trẻ đáp ứng miễn dịch kém… Do vậy, việc cố gắng truy tìm khả năng trẻ đã có miễn dịch hay không để làm căn cứ khẳng định lại cháu bé đã được tiêm đủ hay bị tiêm thiếu vaccine là không hề đơn giản. Điều quan trọng hiện nay là tiếp tục tiêm chủng cho trẻ và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau tiêm.