Động đất 8,9 độ richter tại Indonesia:

Nhiều nước lo ngại sóng thần

ANTĐ - Trận động đất mạnh 8,9 độ richter đã làm rung chuyển khu vực ngoài khơi bờ biển phía tây của miền Bắc đảo Sumatra, Indonesia vào chiều 11-4. Lệnh cảnh báo sóng thần đã được ban bố tại 28 nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Australia…

Hốt hoảng chạy nạn

Người dân Aceh hốt hoảng đi lánh nạn

Trận động đất đầu tiên xảy ra vào lúc 17h43 (giờ địa phương) và sau đó 2 tiếng, xảy ra trận động đất có cường độ thấp hơn - 8,2 độ richter kèm theo một số dư chấn mạnh. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, động đất xảy ra ở vùng biển cách thành phố Banda Aceh khoảng 480km về phía tây nam, trên cực bắc đảo Sumatra của Indonesia, ở độ sâu 33km.

Theo Cơ quan Quản lý thảm họa Indonesia, tại tỉnh Aceh, điện bị cắt, người dân đổ xô lên những vùng đất cao để lánh nạn. “Giao thông bị tắc nghẽn do người dân đổ xô đi lánh nạn. Còi báo động và tiếng kinh cầu vang lên khắp nơi” - ông Sutopo, người phát ngôn cơ quan này nói. Tại Banda Aceh, những tòa nhà bị rung lắc trong vài phút, người dân đổ xô ra các đường phố. Các nhân viên khẩn trương sơ tán bệnh nhân trong các bệnh viện ở thành phố Medan. 

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết hiện chưa báo cáo thương vong và thiệt hại do động đất. Ông Yudhoyono cho biết đã điều động một đội cứu trợ khẩn cấp bay đến Aceh để hỗ trợ công tác cứu hộ. 

Dư chấn lan rộng

Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã ban bố lệnh cảnh báo sóng thần trên toàn Ấn Độ Dương sau khi xảy ra động đất ở Indonesia. Nhà chức trách Indonesia cho biết, có báo cáo về mực nước biển dâng ở tỉnh Aceh khoảng 1m. Tại khu vực bờ biển Meulaboh và Sabang xuất hiện sóng thần cao khoảng 80cm. Tuy nhiên, tại hai đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, phía Bắc khu vực xảy ra động đất, có những con sóng cao tới 3,9m. Một số nước khác, như Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ cũng ban bố cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, sau đó Indonesia và nhiều nước đã dỡ bỏ cảnh báo này.

Người dân ở các nước Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan… cũng cảm nhận được rung chuyển của động đất. Nhà chức trách Thái Lan đã đóng cửa sân bay quốc tế ở tỉnh Phuket. Còi báo động cũng vang lên khắp nơi ở đảo Phuket - địa điểm du lịch nổi tiếng Thái Lan từng hứng chịu hậu quả nặng nề trong trận động đất sóng thần hồi năm 2004. “Du khách từ các khách sạn ven biển đã được sơ tán lên những ngọn đồi phía sau, người dân địa phương cũng sơ tán bằng mọi phương tiện có thể. Mọi người dường như khá bình tĩnh” - Apichai Thonoy, nhà báo địa phương cho biết. Người dân Thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng cảm nhận được rung chấn, người dân tại 6 tỉnh ven biển Thái Lan được lệnh di tản lên những khu vực cao hơn.

Động đất từ 8,0 độ richter trở lên được coi là động đất cực lớn, có thể gây tổn thất ở mức độ khủng khiếp. Cho đến nay, trận động đất lớn nhất đo được là 9,5 độ richter xảy ra ở Chile năm 1960. Trận động đất 8,0 độ richter xảy ra ở Đường Sơn, Trung Quốc năm 1976 làm 255.000 người chết. Năm 2004, trận động đất 9,1 độ richter ở Sumatra gây sóng thần làm 230.000 người ở 13 quốc gia thiệt mạng.

Việt Nam ảnh hưởng dư chấn

Ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam cho biết, TP Hồ Chí Minh chịu dư chấn của động đất 8,9 độ richter tại khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây của miền Bắc đảo Sumatra (Indonesia) vào lúc 8h38 ngày 11-4 theo giờ GMT, khoảng 15h38 giờ Hà Nội. Ông Minh cho biết, sóng động đất làm các tòa nhà cảm thấy rung động, đây chỉ là rung động do sóng động đất chứ không phải dư chấn động đất và không ảnh hưởng nhiều. 

Việt Nam nằm xa khu vực động đất nên chỉ những người ở khu vực cao tầng có cảm giác rung, khu vực TP Hồ Chí Minh chịu dư chấn mạnh hơn, người dân ở TP này cũng cảm nhận rung lắc rõ hơn ở Hà Nội.