Nhiều người Việt Nam đang sống trong vùng có dịch Ebola

ANTĐ - Chiều 11-8, tại Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã họp khẩn để bàn các biện pháp chủ động đối phó dịch bệnh sốt xuất huyết Ebola, với sự có mặt của đầy đủ đại diện các bộ, ngành liên quan.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh họp khẩn về bệnh Ebola

Tại cuộc họp này, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cho biết, trước diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh Ebola, Bộ đã có công điện gửi đến cơ quan đại diện Việt Nam tại 4 quốc gia đang có dịch là Nigeria, Maroc, Guinea, Siriea Leone đề nghị thông báo tình hình dịch.

Đồng thời yêu cầu nắm chắc số lượng công dân Việt Nam đang sinh sống tại đây, hướng dẫn công dân các biện pháp tự phòng chống dịch. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo trong trường hợp diễn biến xấu có thể rút nhân viên ngoại giao tại các nước có dịch về nước.

“Thông tin bước đầu đến ngày 11-8, tại Nigeria hiện đang có 15 công dân Việt Nam sinh sống, trong đó 10 người sống ở trong khu vực có dịch bệnh Ebola nhưng chưa người nào bị ảnh hưởng bởi dịch, sức khỏe hoàn toàn bình thường” – bà Nguyễn Thị Bích Hằng nói.

Cũng liên quan đến công dân Việt Nam ở châu Phi, trong những ngày gần đây, Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều đoàn đưa hàng nghìn lao động ở Lybia về nước sau khi đất nước này xảy ra chiến sự. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong ngày 10-8 có 184 lao động Việt Nam từ Lybia về nước,  trước khi về nước số lao động này đã quá cảnh qua Ai Cập (cũng là một nước châu Phi). Trong ngày 11-8, tiếp tục có 94 lao động ở Lybia được đưa về nước.

Tất cả những người lao động này khi về đến sân bay Nội Bài đều được làm các thủ tục kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, áp dụng tờ khai quốc tế để giám sát phòng chống bệnh Ebola theo quy định. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, trong số 184 lao động ở Lybia về nước chiều 10-8 có 26 người Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo ngành y tế địa phương giám sát những người này tại cộng đồng trong vòng 21 ngày đồng thời thông báo cho các tỉnh/ thành có số hành khách còn lại để chủ động giám sát.

Hành khách quốc tế điền thông tin vào tờ khai y tế tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Phú Khánh)

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chia sẻ, dịch Ebola ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch bởi nguy cơ xâm nhập dịch Ebola sang các quốc gia theo đường du lịch là lớn nhất. Vì vậy, bộ này đã yêu cầu các tỉnh, thành, các công ty du lịch, hiệp hội về du lịch tạm dừng việc đưa khách đến các vùng dịch cũng như có biện pháp phòng bệnh và đảm bảo sức khỏe cho hành khách du lịch từ vùng có dịch hoặc các thị trường liên quan đến vùng có dịch tới Việt Nam trong thời gian này.

Theo cập nhật của Bộ Y tế, hiện tại số ca mắc và tử vong do dịch bệnh Ebola tại 4 nước Tây Phi vẫn tăng nhanh hàng tuần, tính đến ngày 8-8 đã có tổng số 1.779 ca mắc (trong đó có khoảng 200 bệnh nhân là cán bộ y tế), 961 ca tử vong. Điều đáng lo ngại là dịch Ebola có thể lây lan ra các quốc gia khác thông qua khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động tại các quốc gia đang có dịch bệnh về nước hoặc nhập cảnh qua.

Đến thời điểm này, một số quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha có công dân sang làm việc và nhiễm bệnh tại Sierra Leon. Một số nước cạnh Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan cũng đã có ca nghi ngờ mắc bệnh. Tại Việt Nam tuy chưa ghi nhận ca mắc Ebona nào nhưng theo nhận định của Bộ Y tế, nguy cơ dịch có thể xâm nhập trong thời gian tới.