Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, “cuộc đua” chưa hết nóng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những ngày cuối tháng 8, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động. Các dự báo cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục từ nay đến cuối năm.

Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất

Trong biểu lãi suất vừa công bố áp dụng từ ngày 29/8, ngân hàng ACB đã tiếp tục tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm thêm 0,1% ở nhiều kỳ hạn. Trước đó, ngân hàng này cũng đã nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn khác nhau, kể từ đầu tháng 7. Với lần điều chỉnh này, lãi suất kỳ hạn 6 tháng với hình thức gửi tiết kiệm online tại ACB đang dao động 5,7-5,9%/năm; kỳ hạn 7 – 8 tháng dao động từ 5,7-5,9%/năm.

Một ngân hàng lớn khác là MB cũng liên tục tăng lãi suất huy động. Sau đợt tăng khá mạnh hồi đầu tháng 8 (mức tăng cao nhất lên đến 0,5%/năm) thì đến cuối tháng, ngân hàng này tiếp tục đẩy lãi suất ở nhiều kỳ hạn thêm 0,2 – 0,4 điểm phần trăm.

Theo đó, tại kỳ hạn 7 - 8 tháng, sau khi tăng từ 4,4%/năm lên 5%/năm vào đầu tháng thì đến thời điểm này, MB đã áp dụng mức lãi suất lên tới 5,3%/năm. Tại kỳ hạn dài trên 36 tháng, lãi suất tiền gửi của MB cũng tăng từ 0,2 – 0,4 điểm % lên 6,8%/năm.

Việc MB liên tục tăng lãi suất có thể là để đón đầu “room” tín dụng sắp được nới. Ngân hàng này được dự báo sẽ nhận được ưu tiên trong đợt nới chỉ tiêu tín dụng vài ngày tới, do tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

Tại các ngân hàng nhỏ, làn sóng tăng lãi suất vẫn tiếp tục nóng lên. Như NamABank, biểu lãi suất áp dụng từ ngày 24/8 cũng tăng khá mạnh ở một số kỳ hạn. Đơn cử như với tiền gửi kỳ hạn 9 tháng, hình thức gửi trực tuyến đã được ngân hàng này tăng 0,3 điểm % lên mức 6,9%/năm.

NamABank cũng là một trong những nhà băng có mặt bằng lãi suất cao nhất hệ thống với mức lãi suất cao nhất lên tới 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi tiết kiệm online.

Tại BacABank, từ ngày 26/8, tiền gửi kỳ hạn 1 – 5 tháng cũng được nâng lên mức trần 4%/năm, tăng 0,1 điểm % so với trước đó. Ở kỳ hạn 6 – 7 tháng, lãi suất cũng tăng 0,15 điểm % lên 6,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1 điểm % lên 6,9%/năm. Kỳ hạn 13 tháng trở lên tăng 0,1 điểm % lên 7%/năm.

Như vậy, có thể thấy “sức nóng” lãi suất vẫn chưa hề giảm nhiệt, mặc dù các ngân hàng chưa chính thức được “nới room” tín dụng. Tại kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ đều đã áp dụng mức trần 4%/năm.

Với kỳ hạn 6-12 tháng, hàng loạt ngân hàng đã có mức lãi suất lên đến 7%/năm, như: ABBank, BaoViet Bank, CBBank, DongA Bank, Kienlongbank, NCB, OceanBank, SCB, SHB, VietCapitalBank, PVcomBank, Nam Á Bank…

Các kỳ hạn dài hơn, mức lãi suất cao nhất tại một số ngân hàng đã lên tới 7,5%; thậm chí một số sản phẩm tiết kiệm đặc thù hoặc chứng chỉ tiền gửi đã xuất hiện lãi suất trên 8%/năm.

Sẽ tiếp tục xu hướng tăng

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lãi xu hướng tăng của lãi suất sẽ chưa dừng lại. Trong báo cáo cập nhật thị trường mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong tháng 8, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm %. Cuộc đua tăng lãi suất để huy động tiền gửi có thêm sự tham gia của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.

Tuy nhiên, VDSC cho biết, mặc dù lãi suất huy động tăng cao nhưng huy động vốn vẫn lệch pha khá xa so với tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 6/2022, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 4,8% so với đầu năm. Tăng trưởng cung tiền cũng rất khiêm tốn, chỉ tăng 3,8% so với đầu năm.

Sự chênh lệch giữa nhu cầu tín dụng và tăng trưởng tiền gửi sẽ là yếu tố tiếp tục thúc đẩy đà tăng hiện có của lãi suất huy động. Điều này song hành với việc siết room tín dụng có thể đẩy lãi suất cho vay tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.

VDSC cũng cho biết, từ cuối tháng 6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn sử dụng đều đặn công cụ trên thị trường mở để điều tiết thanh khoản tiền đồng trong hệ thống, từ đó phần nào giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Hiện tại, xu hướng chủ đạo vẫn là hút ròng, và các chuyên gia VDSC phán đoán hướng điều tiết thanh khoản sẽ đảm bảo lãi suất cho vay tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng dao động trong một biên độ cho phép, có thể từ 3,5-4,5%/năm.

Nghiệp vụ thị trường mở có thể được xem là công cụ chính sách tiền tệ hiệu quả để điều tiết cung - cầu vốn ngắn hạn, điều này mang ý nghĩa ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát trong bối cảnh hiện tại.