Nhiều ngân hàng thu lãi lớn

ANTĐ - Theo công bố của một số ngân hàng, kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm nhìn chung khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiều ngân hàng hoàn thành 50% kế hoạch, thậm chí có ngân hàng còn hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm. 

Kiểm soát tín dụng hiệu quả đã mang lại lợi nhuận cho nhiều ngân hàng

Vẫn có ngân hàng lãi nghìn tỷ

Tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra cuối tháng 7, Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) đã cho biết một số kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước tính là 4.076 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch cả năm bất chấp việc dư nợ tín dụng chỉ tăng trưởng 3%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu được ngân hàng công bố ở mức dưới 3%.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) là một trong những ngân hàng có lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt trên mức 1.000 tỷ đồng. Ông Nghiêm Xuân Thành – Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: “Lợi nhuận trước thuế, trước dự phòng 6 tháng của Vietcombank đạt 5.178 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đó, Vietcombank đã trích dự phòng rủi ro còn lại là 2.778 tỷ đồng, tương đương 50,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.  Bên cạnh đó, các công ty trực thuộc Vietcombank hoạt động tương đối khả quan, hầu hết đều có lãi”. 

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã cán mốc 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2014 trong 6 tháng đầu năm  đạt 157.633 tỷ đồng (tăng 12%), tổng dư nợ đạt 121.670 tỷ đồng (tăng 10,3%) so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.531 tỷ đồng giúp ngân hàng hoàn thành 51% kế hoạch năm.

Trong khi đó, ở nhóm các ngân hàng nhỏ hơn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đạt kết quả ấn tượng khi hoàn thành 102% kế hoạch lợi nhuận năm ngay trong 6 tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 6-2014, SCB đạt lợi nhuận trước thuế 123 tỷ đồng, tăng 37,7% so với năm 2013. Đại diện ngân hàng cho biết, đạt được mức lợi nhuận này là nhờ kiểm soát chất lượng tín dụng hiệu quả và cải thiện kết quả kinh doanh của tất cả các mảng hoạt động. 

Ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng đã hoàn thành 60% kế hoạch lợi nhuận với lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 263 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) có lợi nhuận trước dự phòng đạt 598 tỷ đồng, tuy nhiên, VIB tiếp tục trích lập dự phòng ở mức 447 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 151 tỷ đồng. Theo VIB, con số này chưa bao gồm hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận do đánh giá lại danh mục trái phiếu chính phủ.

Kỳ vọng kết quả cải thiện

Báo cáo tài chính quý II của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cho thấy, do phải trích lập dự phòng tới 99 tỷ đồng cho quý II nên lợi nhuận trong quý này của ngân hàng âm gần 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm ngân hàng chỉ đạt lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 40 tỷ đồng và sau thuế là 32,5 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVComBank), lợi nhuận sau thuế quý II đạt 34,3 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 77,4 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), lợi nhuận tính tới cuối tháng 6 chỉ đạt 3,76 tỷ đồng, tương đương 15,71% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2014. 

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III-2014 của các tổ chức tín dụng được Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước thực hiện mới đây cho thấy, 68-71% tổ chức tín dụng kỳ vọng xu hướng cải thiện sẽ diễn ra trong quý III và trong cả năm 2014. Trong khi đó, vẫn có 5,3% tổ chức tín dụng tỏ ra lo ngại về khả năng suy giảm kết quả kinh doanh trong cả năm 2014.

Theo các chuyên gia, hoạt động ngân hàng thương mại vẫn chịu ảnh hưởng từ nợ xấu, nợ quá hạn, đặc biệt là nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản và doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vẫn chưa diễn ra mạnh mẽ. Đầu ra cho tín dụng cũng là bài toán hóc búa đối với các ngân hàng trong giai đoạn còn lại của năm. 

Chuyên gia Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poors (S&P) mới đây cũng đưa ra nhận định: “Nợ xấu có thể làm giảm vốn hóa và lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam trong vòng 12-18 tháng tới”.