Nhiều ngân hàng “hãm phanh” lợi nhuận trong quý III-2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tín dụng tăng trưởng chậm lại trong khi các ngân hàng phải miễn giảm lãi vay cho khách, đồng thời tăng trích lập dự phòng đã khiến lợi nhuận quý III suy giảm tại nhiều ngân hàng.

Lợi nhuận chững lại

Tính đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng top đầu đã công bố báo cáo tài chính. Theo đó, mặc dù lợi nhuận 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng tốt nhưng đã có sự suy giảm nhất định về tốc độ tăng trưởng trong quý III.

Chẳng hạn như tại Vietcombank, dù vẫn ghi nhận lợi nhuận kỷ lục ngành trong quý III (5.738 tỷ đồng trước thuế), song tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã chậm lại nhiều so với cùng kỳ và so với các quý gần đây, ở mức chỉ 15,2%.

Trong đó, cùng với suy giảm lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và một số hoạt động khác thì việc chi phí hoạt động, tăng trích lập dự phòng (tăng 24% lên 2.531 tỷ đồng) đã ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Tương tự, VietinBank cũng ghi nhận lợi nhuận chỉ tăng nhẹ 5,4% trong quý III so với cùng kỳ, ở mức 3.060 tỷ đồng trước thuế.

Ngân hàng cho biết, thời điểm quý III/2021, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động rất lớn của đợt dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị giảm sút, tiềm ẩn rủi ro không trả được nợ cho ngân hàng. Do đó, để dự phòng rủi ro, ngân hàng đã chủ động dành nguồn lực tài chính trích lập dự phòng bổ sung nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể có từ nền kinh tế.

Theo đó, tại 30/9/2021 dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 21,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 71%) so với đầu năm. Chi phí dự phòng rủi ro cho vay trích lập trong 9 tháng năm 2021 là 14 nghìn tỷ đồng; trong đó riêng trong quý III/2021 là 5,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến ngày 30/9/2021 của VietinBank là 119%.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhiều ngân hàng lớn đã chậm lại trong quý III/2021

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhiều ngân hàng lớn đã chậm lại trong quý III/2021

Một “ông lớn” khác là BIDV, trong quý III thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế giảm 1% còn 2.673 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm do chi phí hoạt động ngân hàng tăng 29% lên hơn 5.000 tỷ đồng, dự phòng rủi ro hơn 7.502 tỷ đồng, tăng 30%...

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái như VPBank (giảm 4,1%), VIB (giảm 17%), Sacombank (giảm 8,1%)… chủ yếu do tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Sẽ có sự xáo trộn đáng kể trong năm nay

Dù vậy, với kết quả kinh doanh khả quan trong 2 quý đầu năm, lợi nhuận các ngân hàng 9 tháng vẫn tăng trưởng khá tốt. Đến thời điểm này, đã ghi nhận 6 nhà băng công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng trong 3 quý (Agribank chưa công bố).

Trong đó, Vietcombank vẫn giữ vị trí quán quân với 19.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Xếp thứ hai là Techcombank với 17.098 tỷ đồng; VietinBank thứ ba với 13.911 tỷ đồng.

Các vị trí tiếp đang chứng kiến sự bám đuổi sát nút của MB và VPBank với lợi nhuận lần lượt 11.885 tỷ đồng và 11.736 tỷ đồng. BIDV đang ở vị trí thứ 6 với 10.733 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng, trong top 6 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống, Techcombank đứng đầu với mức tăng trưởng 60% so với cùng kỳ, BIDV xếp thứ hai với tốc độ tăng trưởng 53% (chủ yếu do kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm, cộng với nền kết quả kinh doanh thấp năm 2020).

Tiếp đến là MB với tốc độ tăng trưởng 46%, tiếp theo là VietinBank với 34%.

Trong khi đó, VPBank và Vietcombank ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn, lần lượt 25% và 21%.

Sở dĩ các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn, chủ yếu do “gánh nặng” giảm lãi suất trên diện rộng, cùng với đó là chi phí trích lập lớn.

Dự báo trong năm nay, bức tranh lợi nhuận các ngân hàng hàng đầu sẽ có nhiều xáo trộn. Trong đó, đáng kể nhất là VPBank với việc hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 49% vốn tại FE Credit sẽ thu về tới trên 30.000 tỷ đồng. Nếu được hạch toán hết vào lợi nhuận quý 4 thì thứ hạng lợi nhuận nhà băng này sẽ có sự thay đổi ngoạn mục.

Techcombank cũng sẽ là một ẩn số, nếu giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì có thể dễ dàng “vượt mặt” nhiều “ông lớn” khác.