Nhiễu loạn thị trường đường

ANTĐ - Thị trường đường đang có những thông tin trái chiều. Trong khi doanh nghiệp chế biến kêu ca khó mua đường trong nước, giá đường trong nước cao hơn đường nhập khẩu thì các doanh nghiệp mía đường lại báo cáo, không có việc thiếu đường cũng như tăng giá.

Nông dân chưa được lợi trong bảo hộ đường


Doanh nghiệp chế biến kêu thiếu

Giữa năm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có báo cáo về số lượng đường tồn kho năm nay rất lớn, thậm chí dư thừa so với tiêu dùng trong nước. Bởi vậy, Hiệp hội này đã kiến nghị thu mua tạm trữ đồng thời cho xuất khẩu đường để giảm áp lực tồn kho. Song, chỉ sau vài tháng, đến thời điểm này, đã có hai luồng dư luận trái chiều xung quanh thị trường đường trong nước. Theo nhiều doanh nghiệp chế biến, thì hiện, các doanh nghiệp mía đường đang chào giá bán cao hơn từ 30-40% so với giá thế giới. 

Mới đây Công ty URC Việt Nam (chuyên sản xuất kinh doanh các loại thực phẩm bánh kẹo, nước giải khát), có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mía đường khẩn thiết nhờ can thiệp tăng cung thị trường đường. Đại diện công ty cho biết, tình hình cung ứng thực tế đường trắng RE trong nước đang thiếu trầm trọng. Công ty đã liên hệ mua đường với nhiều nhà máy nhưng rất khó khăn. Hiện, công ty cần 4.000 tấn đường/tháng và đang thực sự gặp khó khăn do đơn vị cần đường chất lượng cao, trong khi nhiều nhà máy đường ở Việt Nam không cung ứng được. Ngay từ đầu năm, Công ty URC đã nộp đơn xin nhập khẩu đường nhưng không được chấp thuận, dù đường trong nước chỉ đáp ứng được 40%. Thậm chí, trong công văn, ông  Santa Robles Edwin, Tổng Giám đốc URC Việt Nam còn đề nghị các Bộ hướng dẫn cho công ty địa chỉ để mua được đường.

Tương tự, khá nhiều doanh nghiệp chế biến cho rằng, rất khó để mua đường trong nước vào thời điểm này. Trong khi, nếu cho phép nhập khẩu, vừa giải quyết được tình trạng thiếu đường, giá lại thấp hơn đường trong nước. Giá chào hàng giao trong tháng 8 , tháng 9 của nhiều nhà máy đường ở mức, 19.000 - 19.500 đồng/kg. Mà tháng 8 là cao điểm sản xuất bánh kẹo phục vụ Trung Thu.

Thị trường đang méo mó

Trả lời xung quanh việc nhũng nhiễu thị trường đường hiện nay, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết thị trường đường có những diễn biến phức tạp. Trong những tháng gần đây, việc tiêu thụ đường đã có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu của tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 6, tiêu thụ của các nhà máy vào khoảng 219.700 tấn, tăng 88% so với tháng 3 năm 2012. 

 “Cho đến thời điểm này Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được thông tin từ Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam về việc thị trường đường đang bị lũng đoạn. Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT kiểm tra thông tin về việc giá đường bị thao túng, nếu đúng sẽ có biện pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân và doanh nghiệp” - ông Chiến nói.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cũng cho biết, sẽ yêu cầu Vụ Thị trường trong nước và Vụ Xuất nhập khẩu theo dõi thông tin về thị trường đường để giải quyết cấp quota nhập khẩu đường cho hài hòa, giúp bảo vệ sản xuất trong nước tránh tình trạng gây khó khăn cho các doanh nghiệp phải nhập khẩu đường. Diễn biến bất thường của thị trường đường hiện rất cần sự vào cuộc rõ ràng của liên Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương để làm rõ, có thực sự thiếu đường sản xuất. Các doanh nghiệp chế biến đang diễn trò hay các doanh nghiệp mía đường vốn quen được nuông chiều găm hàng để đẩy giá, làm khó ngành chế biến? Với diễn biến trái chiều như hiện nay, người tiêu dùng sẽ gánh không ít thiệt hại khi mà giá cả không những mặt hàng đường, mà nhiều mặt hàng khác cũng sẽ ăn theo để tăng.

Hôm qua 11-7, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với Hiệp hội Mía đường để làm rõ thực hư của việc găm hàng đẩy giá.