"Nhiều lao động về nước tiêu hết tiền lại đi làm thuê"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Một bộ phận không nhỏ người lao động tại nước ngoài khi về nước không có công ăn việc làm, chỉ “ăn không ngồi rồi”, rồi một thời gian ăn tiêu hết tiền lại tiếp tục đi làm thuê", đại biểu Phạm Văn Hoà nêu vấn đề trong phiên thảo luận về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), chiều 23-10.
Đại biểu Phạm Văn Hoà

Đại biểu Phạm Văn Hoà

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ chủ trương hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp cho các lao động về nước sau khi hết hợp đồng, bởi đây là lực lượng đã được đào tạo, có tay nghề, thu hút họ vào các cơ sở sản xuất hoặc đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho lao động trong nước.

“Thời gian qua có địa phương làm tốt, có nơi sự quan tâm còn rất hạn chế, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động tại nước ngoài khi về nước không có công ăn việc làm, chỉ “ăn không ngồi rồi”, rồi một thời gian ăn tiêu hết tiền lại tiếp tục đi làm thuê”, ông Hoà nêu vấn đề và nhấn mạnh tạo chính sách việc làm cho lao động hết hạn về nước là rất cần thiết.

Cũng theo vị đại biểu đoàn Đồng Tháp, thời gian qua có không ít doanh nghiệp hoạt động “chui”, tuyển lao động bất hợp pháp, có doanh nghiệp đã bị tước giấy phép vẫn ngang nhiên tuyển lao động, chưa kể tình trạng “cò” lao động… dẫn đến tình trạng tuyển tràn lan. Nhiều người muốn được tuyển nên không ngại nộp chi phí cao, sau khi được tuyển rồi thì bỏ trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp.

“Chính tình trạng lao động bỏ trốn khiến nước sở tại gây khó khăn cho công việc tuyển chọn lao động hợp pháp”, ông Hoà nhấn mạnh và đề nghị doanh nghiệp tuyển lao động phải có trách nhiệm với nhà nước về lao động mình được tuyển, nếu bỏ trốn phải phối hợp với địa phương tìm hiểu, động viên lao động về nước khi hết hợp đồng lao động, và xem đây là một trong những điều kiện để cấp phép cho doanh nghiệp. Có như vậy mới hạn chế được người lao động bất hợp pháp.

Ông Hoà đồng tình việc cần thiết phải quy định cụ thể về quy trình sơ tuyển, để đảm bảo chất lượng lao động, đồng thời tránh tình trạng đào tạo nhiều nhưng số lượng đi ít, gây lãng phí cho người lao động và xã hội.

“Trong thực tế có doanh nghiệp cố tình đào tạo nhiều để thu phí nhưng đưa đi lao động rất ít, gây thắc mắc, người lao động phải mắc nợ, vay khó trả”, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nói, đồng thời đề nghị việc doanh nghiệp thu tiền dịch vụ (chứng chỉ ngoại ngữ, thủ tục xuất nhập cảnh…) phải thống nhất theo quy định của cơ quan nhà nước, tránh tình trạng mỗi doanh nghiệp thu một mức khác nhau, gây thiệt thòi lợi ích cho người lao động.

Về chính sách của nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị Chính phủ có quy định chi tiết về bình đẳng giới, có biện pháp hỗ trợ lao động nữ, lao động ở các mảng việc nhạy cảm có nguy cơ bị xâm hại...