Nhiều hồ đập lo bục nước

ANTĐ - Cả nước hiện có hàng nghìn hồ thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ, trong đó, nhiều hồ đập đã rơi vào tình trạng mất an toàn, xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến đời sống người dân vùng hạ du. Trong khi đó, việc phối hợp quản lý hồ giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập.

Sạt lở đập tràn hồ Đăk Uy (Đăk Hà Kon Tum) khiến người dân lo ngại

Sự cố xảy ra liên tiếp

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cả nước có hơn 6.500 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích 11 tỷ m3 nước, trong đó chỉ có khoảng hơn 560 hồ chứa lớn, còn lại là hồ chứa nhỏ. Sau nhiều năm khai thác, các hồ chứa này đã và đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tại nhiều hồ chứa, cống lấy nước đã mất khả năng vận hành, không tràn xả lũ được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước còn có khoảng 260 công trình thủy điện đã vận hành khai thác và 211 công trình đang thi công xây dựng. 

Tại Hà Nội, theo số liệu của Sở NN&PTNT, toàn thành phố hiện có 96 hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ với tổng dung tích khoảng 187 triệu m3 nước. Hầu hết các hồ chứa được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, qua nhiều năm khai thác, sử dụng, một số hạng mục như đập đất, tràn, cống lấy nước đã bị xuống cấp, ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất và an toàn công trình. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, trong số các công trình thủy lợi, thủy điện hiện có, một số công trình xảy ra sự cố như nứt, thấm qua bê tông thân đập đã được chủ đầu tư và các bên liên quan tập trung xử lý có hiệu quả như thủy điện Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4,… Cá biệt có công trình chất lượng chưa đảm bảo gây bức xúc trong dư luận thời gian qua như đập thủy điện Sông Tranh 2. Những sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong giai đoạn vận hành thử thường tập trung ở các công trình có quy mô nhỏ, do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư.  Điển hình là thủy điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông, thủy điện Đăm Bol-Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực, thủy điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum) vỡ đập khi thi công, thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước, thủy điện Ea Súp 3 (Đăk Lăk) bị vỡ bể áp lực trong quá trình chạy thử. 

Tiềm ẩn nguy cơ

“Tồn tại lớn nhất hiện nay là các công trình thủy lợi phần lớn được xây dựng trước năm 2000, việc thi công các hồ này còn nhiều hạn chế nên đang xuống cấp rất nhanh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay. Theo đó, có 16 đập thấm ở mức độ mạnh, 16 đập bị biến dạng mái, 5 đập bị lún cần được lưu ý về độ mất an toàn và 235 hồ chứa chưa được kiểm tra, nâng cấp chống lũ theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT. Đó còn chưa kể các hồ được xây dựng và đưa vào khai thác trước năm 1990 đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hồ do nhân dân tự xây luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Trong khi đó, việc quản lý, vận hành hồ còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt, không ít hồ thủy lợi không có chức năng cắt lũ, không có cửa xả đáy, xả tràn tự nhiên. Chính phủ cũng đã quan tâm đến việc vận hành liên hồ chứa, ban hành 5 quy  trình vận hành liên hồ của 20 hồ chứa trong mùa lũ trên lưu vực 5 sông lớn thường xảy ra bão lũ. Còn quy trình vận hành trong mùa cạn vẫn đang được Bộ TN-MT xây dựng. 

Tuy nhiên, cả nước đang có đến xấp xỉ 7.000 hồ chứa, những hồ chứa lớn thì thuộc quyền điều hành của liên Bộ, ngành, hoặc chịu sự điều hành của địa phương, những hồ nhỏ hơn thì do chủ đầu tư tự điều tiết. Thứ trưởng Bộ TN- MT Nguyễn Thái Lai  nhận định, các hồ thủy điện do doanh nghiệp đầu tư khả năng phục vụ cho các mục đích an sinh xã hội như chống lũ và cấp nước hạ du còn hạn chế. Ngoài ra, một số trường hợp để nâng cao cột nước phát điện, việc xây dựng hồ chứa đã chuyển dòng, dẫn đến tranh chấp về nguồn nước… 

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, công tác quản lý chất lượng xây dựng đập thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập do chủ đầu tư đa số là tư nhân, năng lực hạn chế, chưa tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình. “Trong quản lý an toàn đập thủy điện thì đến nay vẫn chưa phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành trong việc phê duyệt phương án PCLB”, ông Nguyễn Cẩm Tú phản ánh.

Việt Nam là quốc gia nhiều hồ chứa, trong khi, mỗi hồ chứa được ví như “quả bom”. Nếu không có những biện pháp để bảo đảm chung sống an toàn với hồ chứa thì chẳng khác nào ngồi chờ thảm họa.

Bộ Công Thương cho biết, đối với các nhà máy thủy điện có công suất lắp máy nhỏ hơn 30MW, một số chủ đập chưa thực hiện quy định của pháp luật về an toàn đập: mới có 37/166 đập được duyệt phương án PCLB, đảm bảo an toàn đập năm 2013; 62 đập đang xây dựng và 67 đập chưa có phương án PCLB và an toàn đập năm 2013.