Nhiều hành vi vi phạm hành chính được phát hiện qua thực tiễn

ANTĐ - Sáng nay 30-6, Công an TP Hà Nội tiếp đoàn kiểm tra của UBND TP Hà Nội, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) do đồng chí Tống Thị Thanh Nam – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội làm trưởng đoàn. Thiếu tướng Đinh Văn Toản – Phó Giám đốc CATP Hà Nội dự và chủ trì hội nghị.

Thiếu tướng Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc CATP Hà Nội dự và chủ trì buổi làm việc tiếp Đoàn kiểm tra về việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC của UBND thành phố  Hà Nội

Phát hiện, xử lý 404.559 vụ VPHC

Đại diện Phòng Pháp chế - CATP thông tin tại hội nghị nội dung báo cáo dự thảo về kết quả công tác xử lý vi phạm hành chính của CATP trong thời gian từ 1-10-2014 đến 30-6-2015.

Thực hiện chương trình công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC năm 2015 của Bộ Công an và hướng dẫn của UBND TP Hà Nội, ngày 4-3-2015, CATP đã xây dựng Chương trình số 09 về công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đánh giá thực trạng, kịp thời phát hiện tồn tại, vướng mắc để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý VPHC.

Triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch, Chỉ thị của cấp trên, CATP đã làm tốt công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị - văn hóa diễn ra tại Thủ đô; đảm bảo TTATGT, TTĐT, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đua xe, tụ tập cổ vũ đua xe trái phép, gây rối TTCC, có hành vi quá khích…

Tập trung công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, TNXH, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, buôn bán đồ chơi trẻ em có tính chất bạo lực, nguy hiểm; buôn bán các loại pháp trái phép, vệ sinh ATTP.

Thường xuyên quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật đến CBCS, trong đó tập huấn chuyên sâu cho cán bộ chủ chốt và CBCS trực tiếp thực hiện nhiệm vụ về công tác xử lý VPHC. Đối với những văn bản pháp luật mới được ban hành, chỉ huy các đội nghiệp vụ đều phổ biến, quán triệt đến CBCS trong các buổi sinh hoạt.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và UBND thành phố, CATP Hà Nội đã tổ chức gần 20 hội nghị tập huấn chuyên sâu cho hơn 1 vạn lượt CBCS Công an Thủ đô những nội dung cơ bản của Luật xử lý VPHC.

Về tình hình xử phạt VPHC trên địa bàn thành phố xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như ANTT, ATGT, TTĐT; khai thác tài nguyên, khoáng sản…Trong thời gian từ 1-10-2014 đến 30-6-2015, các lực lượng chức năng của CATP đã phát hiện xử lý tổng số 404.559 vụ VPHC trên tất cả các lĩnh vực; tổng số tiền phạt hơn 130 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 81.926 trường hợp (bằng 20,5%); phạt tiền tăng hơn 28 tỷ đồng.

Nhìn chung, các đơn vị đã chấp hành đúng quy định về xử phạt VPHC; thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, xử phạt đúng hành vi vi phạm; công tác lập hồ sơ, lưu trữ dữ liệu, sổ sách theo dõi xử lý VPHC ; quản lý hồ sơ đúng  pháp luật, quy trình, quy định công tác và Điều lệnh CAND…

Những kiến nghị từ thực tế 

Tại  buổi làm việc, Thượng tá Phùng Quang Hiển – Phó trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường – CATP đã báo cáo công tác quản lý nhà nước về xử lý VPHC với đoàn kiểm tra. Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường CATP đã phát hiện, kiểm tra, xử lý và phối hợp kiểm tra xử lý 2.629 vụ; xử phạt VPHC hơn 17 tỷ đồng, trong đó, riêng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường phát hiện, kiểm tra và phối hợp kiểm tra, xử phạt 516 vụ.

Đoàn kiểm tra đánh giá cao nội dung của bản báo cáo dự thảo cũng như công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC của CATP

Do tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý VPHC nên các vụ việc VPHC do lực lượng cảnh sát môi trường trực tiếp thụ lý giải quyết hay phối hợp giải quyết đều đúng quy định, trình tự, thẩm quyền. Trong thời gian từ 1-10-2014 đến nay chưa có trường hợp nào khiếu nại các quyết định xử phạt VPHC; chưa có trường hợp nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý làm sai quy định hay có sai sót khác trong việc thực thi pháp luật xử lý VPHC.
Tại buổi làm việc, những khó khăn vướng mắc cũng đã được đại diện Phòng Pháp chế, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường nêu ra. Qua công tác quản lý, theo dõi tình hình pháp luật về xử lý VPHC cho thấy, hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý VPHC trên nhiều lĩnh vực được ban hành với số lượng lớn nhưng không toàn diện; nội dung của quy định còn thiếu, không đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo, xung đột văn bản.

Về quy định thẩm quyền đối với CAND, quy định mới theo Luật xử lý VPHC là tăng mức tiền phạt cho CBCS, chỉ huy cấp đội nhưng tính tỷ lệ phần trăm thì giảm thẩm quyền của cấp Phòng, CAH, công an tỉnh, thành phố dẫn đến tình trạng chuyển hồ sơ vụ việc, gây áp lực cho cấp trên…

Bên cạnh đó, quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi gây rối TTCC, thương tích cho người khác… nhưng trên thực tế, trong lĩnh vực ANTT có những hành vi VPHC khác cần ngăn chặn, xác minh, xử lý không được tạm giữ người, gây khó khăn cho công tác xác minh, xử lý tiếp theo của cơ quan có thẩm quyền.

Nhiều trường hợp kiểm tra hành chính phát hiện dấu hiệu tội phạm khác hoặc để xác minh nhân thân đối tượng nếu không tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì không có thời gian để tiến hành xác minh làm rõ, bỏ lọt tội phạm.

Theo quy định, biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính không áp dụng những hành vi vi phạm như: trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản… nên gây khó khăn trong việc các minh tài liệu, chứng cứ làm rõ hành vi vi phạm…

Sau khi nghe đại diện Phòng Pháp chế, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội trình bày nội báo cáo dự thảo cũng như những khó khăn vướng mắc trong công tác thi hành xử lý VPHC, các thành viên trong đoàn kiểm tra đều đồng ý với nội dung được trình bày.

Nhận xét và kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Tống Thị Thanh Nam đánh giá cao nội dung báo cáo dự thảo của CATP Hà Nội. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị, phòng nghiệp vụ CATP chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định, nội dung đầy đủ, bám sát đề cương của đoàn kiểm tra.

Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ còn chỉ ra được những khó khăn vướng mắc khi thi hành công tác xử lý VPHC. Đặc biệt, qua thực tiễn công tác, một số hành vi VPHC cũng được phát hiện. Điều này góp phần quan trọng, hoàn thiện hơn nữa trong công tác thực hiện Luật xử lý VPHC. Tuy nhiên, đồng chí Nam cũng đề nghị đại diện Phòng Pháp chế, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP cần có những con số cụ thể để báo cáo được hoàn thiện hơn nữa.

Tiếp thu ý kiến của đoàn kiểm tra, đồng thời quán triệt đến các đơn vị nghiệp vụ, Thiếu tướng Đinh Văn Toản đề nghị các đơn vị sớm hoàn thiện nội dung báo cáo theo ý kiến của đồng chí trưởng đoàn kiểm tra; bổ sung số liệu để đoàn kiểm tra tập hợp và có báo cáo chung, báo cáo lên UBND thành phố; các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục tham mưu cho CATP để thực hiện tốt Luật xử lý VPHC, qua đó phát hiện ra vi phạm và xử lý vi phạm đúng theo quy định của pháp luật.