Nhiều dự báo lạc quan về giá vàng bởi nhu cầu còn tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng năm 2022 vẫn được nhiều chuyên gia dự báo lạc quan khi mối đe dọa lạm phát vẫn cao và nhu cầu kim loại quý đang tăng mạnh ở Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Giá vàng trong nước sáng nay đứng yên do thị trường thế giới vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, chưa có biến động nào tác động đáng kể. Theo đó, vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết giá mua vào là 66,9 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 61,60 triệu đồng/lượng tại TP.HCM – 61,62 triệu đồng/lượng tại Hà Nội.

Tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác, ía vàng cũng giữ mức cao như: DOJI 60,8 – 61,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); Phú Quý 60,95 – 61,50 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, thị trường Mỹ và châu Âu vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Giá vàng giao dịch lần cuối tại thị trường Mỹ trước kỳ nghỉ lễ này ở mức trên 1.809 USD/ounce.

Tại thị trường châu Á, mở cửa phiên sáng nay kim loại quý cũng không có nhiều biến động và cũng đang trong trạng thái chờ đợi diễn biến mới từ thị trường Mỹ, châu Âu.

Giá vàng diễn biến không mấy tích cực trong năm 2021

Giá vàng diễn biến không mấy tích cực trong năm 2021

Kim loại quý đã cố gắng giữ giá ở mức trên 1.800 USD/ounce trong những ngày cuối cùng của năm 2021. Tuy nhiên, tính chung năm, vàng vẫn ghi nhận mức giảm giá khoảng 68 USD/ounce, tương ứng 3,5%.

Vàng đã có 1 năm gây thất vọng khi trở thành tài sản hàng hóa tụt dốc, bất chấp lãi suất thực âm. Nhu cầu đầu tư vào vàng mờ nhạt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt lãi suất, bắt đầu bằng việc giảm lượng mua trái phiếu hằng tháng vào tháng 11. Ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng Fed sẽ đẩy nhanh quá trình cắt giảm và nâng lãi suất trước nửa cuối năm sau.

Dù vậy, một số nhà phân tích vẫn kỳ vọng một triển vọng tích cực hơn cho kim loại quý trong năm 2022. Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết ông lạc quan hơn một chút về vàng vào năm 2022 và sẽ xuất hiện đỉnh mới.

Yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy vàng là mối đe dọa lạm phát ngày càng tăng. Fed tăng lãi suất sẽ đẩy lợi suất trái phiếu cao hơn, lãi suất thực sẽ vẫn âm, không có khả năng vượt qua được đường cong lạm phát. Bởi vì nếu Fed cố gắng đi trước đường cong, nó sẽ tạo ra một cuộc suy thoái mới.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nhận thấy nhu cầu vàng và bạc ở Ấn Độ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2021 khi việc mua đồ trang sức và đầu tư vào kim loại vật chất tăng mạnh sau sự suy thoái do giãn cách xã hội và sự không chắc chắn của dịch Covid-19.

Metals Focus, một công ty tư vấn kim loại quý độc lập hàng đầu đã có cuộc khảo sát tại hơn 10 thành phố ở Ấn Độ - đất nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới - để đánh giá tình hình thực tế về nhu cầu kim loại quý.

Metals Focus cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu vàng đến từ hoạt động mua sắm mùa lễ hội và đám cưới. Điều đáng nói là, ngoài nhu cầu bị dồn nén thời gian dài vì nhiều đám cưới đã bị hoãn lại trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, thì việc giá vàng giảm thời gian qua cũng đã hỗ trợ nhu cầu mua của người tiêu dùng cao hơn.

Theo báo cáo, đại dịch đã củng cố niềm tin của người dân Ấn Độ vào vàng, khi đợt tăng giá trước đó đã giúp nhiều người vượt qua cuộc khủng hoảng; vàng đem đến sự an toàn hơn cho họ, khi nó có thể dễ dàng được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.

Một diễn biến tích cực khác được Metals Focus ghi nhận là các công ty kim hoàn tại Ấn Độ đang tích cực dự trữ thêm vàng sau khi giảm mạnh lượng hàng tồn kho vào năm ngoái.

Điều quan trọng là nhu cầu không chỉ giới hạn ở đồ trang sức mà còn được mở rộng sang các sản phẩm đầu tư vật chất, đặc biệt là ở Diwali.