Nhiều doanh nghiệp lớn cũng dùng phần mềm “lậu”

ANTĐ - Mặc dù tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam đã giảm nhưng so với các nước châu Á - Thái Bình Dương thì vẫn ở mức cao. Với mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống 70% trong 5 năm tới theo chỉ đạo của Chính phủ, tới đây, vi phạm trong lĩnh vực này sẽ bị xử lý mạnh tay.

Sử dụng phần mềm hợp pháp mang lại nhiều lợi ích 
(Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu- Nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT& DL) cho biết, hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như: tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền, hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí. Mặc dù hình thức xử phạt cho hành vi này rất nghiêm khắc nhưng tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam vẫn rất cao.

Theo đánh giá của Liên minh phần mềm thế giới (BSA), tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam năm 2011 là 81%. Tỷ lệ này đã giảm 11 điểm, từ mức 92% năm 2004 và Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ, khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm nhưng vẫn cao hơn so với mức trung bình 60% của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Mới đây, lực lượng liên ngành đã thanh tra 6 doanh nghiệp lớn và đều phát hiện các phần mềm vi phạm, trong đó số giá trị phần mềm bất hợp pháp lớn nhất lên tới 4 tỷ đồng được phát hiện tại một doanh nghiệp Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực may mặc và túi nhựa. Lực lượng thanh tra liên ngành đã kiểm tra 536 máy tính và phát hiện tổng số phần mềm không có bản quyền có giá trị lên tới 10 tỷ đồng, lớn nhất từ đầu năm tới nay. Được biết, các phần mềm vi phạm là sản phẩm của các hãng Adobe, Autodesk, Lạc Việt và 

Microsoft. 10 tháng qua, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại hơn 70 doanh nghiệp trong và ngoài nước và xử phạt tới 11,3 tỷ đồng. 

Ông Phạm Xuân Phúc- Phó Chánh Thanh tra, Bộ VH-TT&DL (cơ quan phụ trách việc thực thi, thanh kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan, trong đó có quyền tác giả phần mềm máy tính) cho biết: “Đáng chú ý là nhiều công ty có tiềm lực mạnh về tài chính vẫn cố tình trốn tránh việc mua phần mềm có bản quyền, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất hiểu biết và quan tâm tới Luật Sở hữu trí tuệ”.

Theo ông Tarun Sawney- Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA, chi phí mua phần mềm máy tính chỉ chiếm 5-6% tổng chi phí hàng năm của doanh nghiệp, không quá lớn nếu so với chi phí khắc phục sự cố và rủi ro từ phần mềm bất hợp pháp. “Trong khi đó, sử dụng phần mềm hợp pháp mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trước hết là ít rủi ro về pháp lý, không phải trả tiền phạt khi bị thanh tra, kiểm tra. Người sử dụng sẽ được hỗ trợ về pháp lý, về kỹ thuật như vá phần mềm bị lỗi hay cách khắc phục sự cố, phần mềm không bị lỗi, không bị nhiễm virus, không có lẫn phần mềm gián điệp, nhất là trong thời kỳ bùng nổ của các virus độc hại, tội phạm công nghệ cao như hiện nay. Quan trọng hơn, phần mềm có bản quyền giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thương hiệu, khẳng định uy tín và tính minh bạch của doanh nghiệp”- ông Tarun Sawney nói.