Nhiều điểm thờ tự hưởng ứng bỏ đốt vàng mã

ANTD.VN - Chuyện xóa bỏ tục lệ đốt vàng mã đã từng diễn ra rất nhiều năm, nhưng chưa bao giờ vấn đề này được mọi người quan tâm và đồng thuận, ủng hộ nhiều như hiện nay, nhất là khi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức đưa ra đề nghị bằng văn bản. 

Có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm thời gian này, chúng tôi cảm nhận được không khí trang nghiêm nơi cửa Phật. Quanh chùa đã không còn diễn ra việc đốt vàng mã.  

Gặp chúng tôi ngay khu vực chánh điện, chị Lê Thị Hảo, một phật tử chia sẻ những suy nghĩ của mình, khi Giáo hội Phật giáo có công văn về việc bỏ đốt vàng mã. Chị Hảo cho hay, chị cũng như nhiều phật tử, nhiều người dân đều rất ủng hộ chủ trương này.

Người dân đi lễ chùa ngày đầu năm

Trước đây, mỗi lần chị đi chùa, đi đền, thấy rất nhiều người đốt vàng mã, trong thâm tâm chị đã nghĩ mọi người không nên quá lãng phí vào việc đốt nhiều vàng mã, quan trọng là bản thân mỗi người phải sống tốt, làm việc thiện, ngoài xã hội còn biết bao người khó khăn cần phải giúp đỡ, biết bao hoàn cảnh éo le, neo đơn cần phải hỗ trợ...

Chị Nguyễn Vũ Nhật Minh – một phật tử cho biết, chị rất đồng tình với quan điểm của nhà Phật, vì trước nay chị luôn cho rằng, Phật tại tâm, làm việc đúng đạo nghĩa ắt sẽ gặp được may mắn. Chị cũng thẳng thắn cho biết, trước nay gia đình chị cũng đã từng đốt rất nhiều vàng mã, nhưng từ giờ sẽ không như vậy nữa, sẽ đi chùa, tụng kinh và làm nhiều việc thiện nguyện hơn nữa.

Rời TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đến chùa Đại Tòng Lâm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong những ngôi chùa lớn của Nam Bộ. Tiếp chúng tôi, Đại đức Thích Nguyên Thái, Thư ký Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết đến nay, chùa đã đón hàng triệu lượt phật tử, người dân về chùa lễ Phật, không khí trong chùa luôn nhộn nhịp, đông đúc nhưng an ninh trật tự được đảm bảo.

Đại đức Thích Nguyên Thái cho biết, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết tâm để thực hiện nghiêm chủ trương không đốt vàng mã, điển hình là ngay trong chùa Đại Tòng Lâm đã cho phát lên loa phát thanh của chùa khuyên phật tử, người dân không nên đốt vàng mã, thực hiện nghiêm những quy định nơi cửa Phật để việc dâng lễ được cung kính, trang nghiêm.

Chị Nguyễn Thị Trâm, một phật tử đến từ tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong dịp Tết này chị đã cùng đoàn của Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đi dâng lễ gần 30 chùa ở khu vực miền Trung và miền Nam. Ở các chùa nơi chị đến lễ Phật, việc đốt vàng mã diễn ra không nhiều như những năm trước. Theo chị, đốt vàng mã vừa lãng phí vừa gây ảnh hưởng đến môi trường nên phật tử người dân cũng nên cân nhắc về việc này.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ, đối với không gian thờ tự của Phật giáo nói chung thì việc khuyến khích người dân xóa bỏ việc đốt vàng mã là một quyết định đúng đắn. Tục đốt vàng mã không thuộc về ý thức của Phật giáo mà thuộc về Đạo giáo, về thờ cúng nhiều hơn.

Khởi thủy của tục đốt vàng mã là tục thiêu đồ vật, tài sản khi có người chết, khi đó, thủ lĩnh hoặc một người trong bộ tộc chết đi thì những người trong tộc họ sẽ hỏa táng những tài sản, những đồ vật của họ. Khi tôn giáo phát triển, họ thấy những việc làm này rất là lãng phí nên họ làm giả những đồ vật của người chết bằng những vật liệu khác như đất, gỗ,… để tiết kiệm.

Đến khi ở phương Đông bắt đầu có giấy, họ sử dụng giấy làm nguyên liệu cho những đồ vật để hóa, chủ yếu là tiền và vàng… Nhưng lúc đó thì việc đốt vàng mã đã trở nên phổ biến và trở thành một trào lưu. Tác hại của nó ngoài là việc ảnh hưởng đến môi trường sống, lãng phí tiền của, còn đẩy xã hội vào sự mê tín, thiếu lành mạnh trong khi chúng ta hướng đến việc xây dựng một xã hội văn minh.