Nhiều điểm nóng hạ nhiệt

ANTĐ - Tuần qua, tình hình tại nhiều “điểm nóng” trên thế giới đang có dấu hiệu nguội dần. Từ Syria, qua Iran, đến bán đảo Triều Tiên hay tới Campuchia… những sự cố, căng thẳng đang được giải quyết bằng sự nỗ lực từ bên trong, cũng như sự trợ giúp thiện chí của cộng đồng quốc tế…

Chính trường Campuchia dần ổn định

Quốc vương Campuchia Noroddom Sihamoni đã ký sắc lệnh Hoàng gia bổ nhiệm ông Hun Sen làm Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ V. Như vậy, ông Hun Sen, 61 tuổi sẽ tiếp tục giữ trọng trách Thủ tướng đến năm 2018. Trong phiên họp ngày 24-9, Quốc hội Campuchia đã thông qua danh sách thành phần Chính phủ Hoàng gia gồm 27 bộ trưởng do Thủ tướng Hun Sen trình, bất chấp việc 55 nghị sĩ CNRP đối lập tẩy chay phiên họp vì không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử hôm 28-7 vừa qua. Hồi đầu tuần, các nghị sĩ thuộc CNRP tuyên bố tẩy chay không tham gia thành lập Quốc hội mới, đồng thời dọa tiếp tục tổ chức biểu tình quy mô lớn và kêu gọi bãi công. Tuy nhiên, sau khi ông Sam Rainsy, trong cuộc họp các quan chức cấp cao Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP), ngày 26-9 đã nói rằng CNRP sẽ tìm cách nối lại các cuộc đàm phán với Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, thì tình hình tại Campuchia đang dần đi vào ổn định. 

Tương lai cho Syria đã được quyết định?

Liên quan tới tình hình Syria, sau nhiều tuần bế tắc ngoại giao, sáng 27-9 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết lịch sử yêu cầu tiêu hủy các vũ khí hóa học của Syria, song không tự động cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc sử dụng vũ lực đối với Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nếu Damascus không tuân thủ nghị quyết này. Đây là nghị quyết đầu tiên được thông qua về cuộc xung đột Syria kể từ khi giao tranh nổ ra hồi tháng 3-2011, sau khi Nga và Trung Quốc từng ba lần sử dụng quyền phủ quyết của Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ để bác bỏ các nghị quyết liên quan tới quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, theo New York Times, dự thảo nghị quyết này mới chỉ là thành công bước đầu từ phía Nga và Syria. Muốn tránh một cuộc tấn công quân sự trong tương lai phải phụ thuộc rất nhiều thái độ hợp tác của Damascus. Syria cần phải thực hiện theo đúng lộ trình giải giáp vũ khí hóa học đã thông qua từ trước đó.

Dù sao, đây cũng được xem là một thắng lợi tiếp nối của Nga khi luôn giữ quan điểm không mở một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Syria nếu không có sự thống nhất của HĐBA LHQ. Theo các nhà phân tích, dự thảo nghị quyết này cũng cho thấy Mỹ và châu Âu đã “lực bất tòng tâm” khi không thể áp đặt một cuộc tấn công quân sự nhằm trừng phạt Syria.

Những dấu hiệu về sự ấm lên giữa hai miền Triều Tiên

Hàn Quốc đã tổ chức một hội thảo quốc tế về Triều Tiên để có những đánh giá chính xác từ nhiều góc độ, cả trong hiện tại và quá khứ để có các bước đi phù hợp trong tương lai. 

Trong khi đó, nhiều hoạt động thiết thực cũng diễn ra. Hai bên đang đàm phán việc tăng cường các biện pháp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Kaesong; kêu gọi hợp tác để nối lại việc tổ chức cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết ngày 26-9, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã tiến hành đàm phán cấp chuyên viên để thảo luận các biện pháp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Kaesong;  về việc sử dụng nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) để tạo thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa đến và đi từ khu công nghiệp này, cũng như sự cần thiết phải cho phép kết nối Internet của các công ty Hàn Quốc và cho phép công nhân sử dụng điện thoại di động.

Cuộc điện đàm lịch sử của lãnh đạo Iran và Mỹ

Sau những tranh cãi và căng thẳng, điểm nóng Iran cũng có dấu hiệu đang hạ nhiệt khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 27-9 đã có cuộc điện đàm lịch sử bởi Mỹ - Iran không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1980, khi đó xảy ra vụ các sinh viên Iran tấn công, bắt giữ con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Tehran, theo AFP.

Lần liên lạc cấp cao trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước được cho là một dấu hiệu chứng tỏ hai bên đều nghiêm túc trong việc tìm kiếm một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran. Mỹ và các nước phương Tây lâu nay luôn lên tiếng cáo buộc các chương trình hạt nhân của Iran (cụ thể là làm giàu uranium) là nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân nên áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt, khiến kinh tế Iran chao đảo. Trong khi đó, Tehran từ lâu đã khẳng định chương trình hạt nhân của mình là vì mục đích hòa bình.

Theo các nhà phân tích quốc tế thì chương trình hạt nhân của Iran là vật cản khiến cả Washington và Teheran không thể nói đến chuyện xích lại, tin cậy lẫn nhau hoặc chỉ là làm dịu căng thẳng. Theo ông Hussein Ibish, chuyên gia của viện nghiên cứu Mỹ về Trung Cận Đông nhận định, đến lúc này, cả Washington và Teheran đều thấy có lợi khi tránh đối đầu quân sự với nhau và tin vào một “thỏa thuận nhỏ” trên hồ sơ hạt nhân. 

Bên lề Ðại hội đồng LHQ ở New York Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hội đàm 30 phút với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhằm tìm ra một biện pháp rõ ràng nhằm trả lời những câu hỏi mà nhiều người đặt ra về chương trình hạt nhân của nước này. Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại New York, Tổng thống Iran cam kết nước ông sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình trong cuộc đàm phán hạt nhân. Ông cũng thông báo rằng trong hội nghị với nhóm P5+1 (gồm năm nước Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ và Đức) tại Geneva vào tháng tới, Iran sẽ đề xuất một kế hoạch mới nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi bấy lâu nay.