Nhiều địa phương có đàn chó nghi dại cắn người

ANTĐ - Không chỉ có người dân ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị đàn chó nghi dại cắn mà trong tháng 8 vừa qua, nhiều địa phương khác như Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái… cũng xuất hiện tình trạng chó hoang nghi dại cắn người.
Nhiều địa phương có đàn chó nghi dại cắn người ảnh 1
Cần có cơ chế quản lý vật nuôi khắt khe hơn để tránh tình trạng không ai chịu trách nhiệm
(Ảnh minh họa)


Bệnh nhân mắc dại đang tăng

Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, đã có nhiều người dân tại huyện Phổ Yên và Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) bị đàn chó lạ nghi mắc bệnh dại tấn công. Riêng tại huyện Phổ Yên có 83 người bị chó nghi dại cắn, rải rác tại 15/18 xã trong huyện... 

Tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cùng thời điểm này ghi nhận tổng cộng 130 người bị đàn chó hoang nghi dại cắn, tập trung tại 4 xã gồm Bắc Sơn, Nam Sơn, Việt Long, Minh Phú. Trong đó, riêng xã Bắc Sơn có đến 88 người bị chó cắn. Cơ quan chức năng của địa phương này đã thành lập tổ công tác diệt chó dại và triển khai đồng loạt nhiều biện pháp phòng bệnh dại lây từ chó sang người.

 Tương tự, tại tỉnh Yên Bái, chỉ riêng 4 tháng đầu năm nay đã có hơn 2.500 người bị chó cắn, trong đó 5 người đã tử vong do mắc bệnh dại. Ngoài ra, một số mẫu xét nghiệm lấy tại lò giết mổ chó cũng có kết quả dương tính với virus dại. Tính chung trên cả nước từ đầu năm đến nay, đã có 175.035 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, trong đó có 64 người tử vong…

Nguy cơ bùng phát rất lớn

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, với diễn biến hiện nay, virus dại lưu hành trên đàn chó rất cao nên nguy cơ bùng phát bệnh dại rất lớn. Điều này đòi hỏi chính quyền các cấp phải vào cuộc khẩn trương, quyết liệt để kiểm soát bệnh dịch trên đàn chó, không có chó dại thì không có người mắc bệnh dại. Thực tế hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó ở một số địa phương đạt rất thấp, chỉ khoảng 30%, đặc biệt tại các tỉnh trung du miền núi là nơi có dịch bệnh dại tăng cao nhất thì tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó chỉ đạt khoảng 10%.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại bằng cách chủ động khai báo với chính quyền địa phương khi nuôi chó để được tiêm vaccine phòng dại, chó ra đường phải rọ mõm và có người dắt, nếu có hiện tượng bất thường (chạy cắn người hoặc cắn động vật khác) thì phải nhốt ngay và báo với chính quyền địa phương. Khi bị chó dại cắn thì phải rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, sau đó rửa bằng cồn 70% và đến ngay các cơ sở y tế để được chỉ định tiêm phòng bệnh dại.

Đa số mẫu xét nghiệm dương tính với virus dại

Lấy mẫu (trên đàn chó đã bị tiêu diệt sau khi tấn công người) tại tỉnh Thái Nguyên, gửi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Kết quả, 2/3 mẫu xét nghiệm dương tính với virus dại. 

Lấy mẫu chó nghi mắc dại tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gửi xét nghiệm. Kết quả, cả 4/4 mẫu chó tại đây đều được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định dương tính với virus dại.