Nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam

ANTĐ - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, năm 2016 ngoài việc phát triển các thị trường lao động trọng điểm, Cục sẽ tiếp cận và khai thác những thị trường tiềm năng mới.

Nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam ảnh 1Hơn 100 nghìn lao động Việt Nam có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài

Giảm chi phí, thêm thị trường

Năm 2015, cả nước có 115.980 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 122% so với kế hoạch. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam xuất khẩu được trên 100 nghìn lao động. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, có được kết quả trên là do nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ở các thị trường chủ lực Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản tăng ổn định.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Việt Nam kịp thời triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động XKLĐ của doanh nghiệp, giảm chi phí cho người lao động, cụ thể như việc minh bạch hóa các chi phí đi thực tập tại Nhật Bản. Theo đó, các doanh nghiệp phái cử được phép thu từ thực tập sinh các khoản phí dịch vụ, nhưng các khoản phí theo quy định này không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm, không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. 

Năm 2016, mục tiêu đặt ra là tiếp tục đưa trên 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc Đài Loan mở cửa tiếp nhận lại khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ, cũng như cho phép các doanh nghiệp mới của Việt Nam tham gia cung ứng lao động cho thị trường này sẽ là nhân tố làm gia tăng số lượng lao động vào làm việc tại vùng lãnh thổ này. Bên cạnh đó, Việt Nam và Thái Lan ký kết thỏa thuận hợp tác lao động, đồng thời cho phép hợp pháp hóa đối với lao động tự do của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt.

Đối với lao động tay nghề cao, tiếp tục hợp tác với Cộng hòa liên bang Đức và Nhật Bản trong việc đưa thực tập sinh ngành điều dưỡng sang 2 thị trường này. Tại Đức, trong 2 năm qua, Việt Nam đã thí điểm chương trình đưa điều dưỡng viên sang học tập, làm việc trong các cơ sở chăm sóc người già và được đánh giá khá tốt. Từ năm 2016, Đức chấp thuận mở rộng chương trình này, cho phép điều dưỡng viên Việt Nam làm việc trong các cơ sở y tế, bệnh viện.

Siết chặt công tác quản lý

Dù thị trường XKLĐ đã có nhiều khởi sắc nhưng trên thực tế, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều tồn tại. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp XKLĐ còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao. Chất lượng nguồn lao động còn yếu về trình độ tay nghề, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật, tác phong làm việc công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lập ra các chi nhánh, trung tâm nhưng sau khi được cấp phép hoạt động thì buông lỏng quản lý.

Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không kiểm soát được chất lượng, số lượng lao động đưa đi, đến khi có vụ việc xảy ra và được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết thì lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm.

Để giải quyết những tồn tại trên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, năm nay Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ, hạn chế thấp nhất rủi ro cho người lao động trước và sau khi xuất cảnh. Giám sát hoạt động đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động cũng như việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài để hạn chế tình trạng nâng phí môi giới, cạnh tranh không lành mạnh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thu hồi giấy phép đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc hoạt động không hiệu quả. Hạn chế tình trạng người lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng nhưng không về nước. Chỉ đạo các doanh nghiệp, trung tâm lao động ngoài nước phối hợp chặt chẽ với đối tác và chủ sử dụng lao động để theo dõi tình hình lao động, tập trung vào số lao động sắp hết hạn hợp đồng.