Nhiều bệnh viện lớn than thiếu thuốc, vật tư y tế, không dễ để tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số bệnh viện tuyến trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện E… cũng thừa nhận đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư và không dễ để khắc phục sớm.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều bệnh viện

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều bệnh viện

Trao đổi với báo chí, TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, gần đây, qua thông tin từ báo chí ông nhận được phản ánh có bệnh nhân đã thắc mắc về việc khi khám bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bệnh viện E được kê đơn 3 loại thuốc thì 2 loại (insulin và thuốc uống điều trị tiểu đường) phải mua ngoài. Đáng nói là 2 loại thuốc này đều nằm trong danh mục BHYT chi trả mà bệnh nhân được hưởng.

“Chúng tôi đã lập tức triệu tập cuộc họp, cho kiểm tra thông tin và xác nhận thực tế đúng như phản ánh. Nếu bệnh nhân phải mua 2 loại thuốc này ngoài BHYT thì họ phải chi tiền túi hơn 450.000 đồng cho 1 tháng điều trị. Người bệnh mãn tính phải dùng thuốc liên tục nên nhân với thời gian kéo dài, sẽ ra số tiền rất lớn mà người bệnh phải chịu thiệt thòi” – ông Hựu nói.

Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ, người bệnh tham gia BHYT, họ có quyền lợi được hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh nhưng lại phải bỏ tiền túi để mua các loại thuốc này, do bệnh viện thiếu. Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư như vậy, không chỉ người bệnh bị ảnh hưởng quyền lợi mà nhân viên y tế cũng đau đầu, stress.

Trả lời câu hỏi: "Bệnh viện làm thế nào để trả lại quyền lợi cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc ngoài?, TS Nguyễn Công Hựu thẳng thắn chia sẻ: "Đây là câu hỏi khó vì chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào. Tôi có nghe ở một số nơi có 1 số bệnh nhân đặc thù sau khi mua thuốc BHYT bên ngoài, mang hóa đơn về BHXH cơ sở thanh toán. Tuy nhiên, nếu là việc phổ biến thì khó có thể có cơ chế như vậy hoặc nhiều bệnh nhân đều phải mua thuốc ngoài như vậy thì khó mà thực hiện được".

Giám đốc Bệnh viện E cho biết thêm: "bệnh viện vừa thực hiện xong gói thầu, cố gắng để khắc phục được tình trạng người bệnh phải bỏ tiền túi ra mua thuốc nhưng chúng tôi cũng không dám khẳng định sẽ cung cấp đủ. Bởi lẽ, khi thầu xong, có những mặt hàng trượt thầu. Có hãng thuốc chỉ một nhà cung cấp, vì lý do gì đó họ thông báo không sản xuất kịp, không phân phối kịp. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo đảm tối đa thuốc điều trị trong bối cảnh hiện tại".

Tương tự, tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cũng đang có tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là thiếu vật tư. Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc bệnh viện, ngay cả những vật tư thông dụng phải dùng hàng ngày như bơm tiêm, kim tiêm… cũng có lúc thiếu.

Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế nêu quan điểm, Bộ Y tế cần đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao... để biết được vướng ở chỗ nào từ đó có giải pháp giải quyết về gốc rễ.

Từ kinh nghiệm cá nhân tôi, ông Quang cho rằng, công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế đang vướng ở một số khía cạnh như: vướng về quy định của pháp luật hiện hành; vấn đề dự báo kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư (số lượng, chủng loại…) của bệnh viện nhiều khi không sát với thực tế.

Mặt khác, thời gian qua chúng ta tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19, làm sao nhãng công tác đấu thầu. Ngoài ra, do việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là một lý do.

Đặc biệt, gần đây có nhiều vụ việc bị khởi tố, truy tố, xét xử liên quan đến đấu thầu dẫn đến tâm lý lo ngại nếu mình làm trong bối cảnh các quy định về pháp luật, đấu thầu chưa rõ thì mình có bị sao không. Vì thế, tâm lý chung của nhiều lãnh đạo bệnh viện là e ngại.

Để giải quyết các tồn tại trên, ông Quang đề nghị, từ Quốc hội, Chính phủ đến Bộ Y tế và các ngành liên quan cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu hiện nay để tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý.

“Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, yên tâm thực hiện, đâu là "lằn ranh đỏ" để người ta không thể vượt qua. Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn như nghị định Chính phủ cụ thể hóa luật Quản lý tài sản công, luật Đầu tư công, luật Đấu thầu, luật Dược…

Đồng thời, cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân” – TS Nguyễn Huy Quang phân tích.