Nhiều bệnh viện không đủ kinh phí xử lý chất thải

ANTD.VN - Trung bình mỗi ngày, các cơ sở khám, chữa bệnh do Sở Y tế Hà Nội quản lý trên địa bàn thành phố thải ra hơn 13 tấn rác thải. Trong đó, phần lớn là rác thải y tế nguy hại và chất thải rắn nhưng hệ thống xử lý còn kém, kinh phí đầu tư hạn chế.

Nhiều bệnh viện không đủ kinh phí xử lý chất thải ảnh 1Việc thu gom, tiêu hủy rác thải y tế còn gặp nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin, lượng chất thải rắn phát sinh một ngày của các cơ sở do Sở Y tế quản lý (41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế huyện, 14 trung tâm chuyên khoa) khoảng 11 tấn/ngày.

Trong đó, có 9,249 tấn/ngày là chất thải rắn y tế thông thường, 1,842 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại. Các trạm y tế xã/phường/thị trấn trung bình mỗi ngày thải ra từ 0,1- 0,5kg chất thải rắn y tế nguy hại và 1-4kg chất thải rắn y tế thông thường.

Như vậy, tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 13 tấn/ngày trong đó có 11 tấn/ngày là chất thải y tế thông thường và 2 tấn/ngày là chất thải y tế nguy hại. Ước tính, đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày trên địa bàn Hà Nội là 15,8 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải y tế nguy hại là 3,16 tấn/ngày. Ngoài ra, tổng lượng nước thải trung bình một ngày của các cơ sở thuộc Sở Y tế Hà Nội khoảng 10.029m3/ngày. Ước đến năm 2020 là 13.495m3/ngày.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn 2010-2015, thành phố đã đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện, 45 phòng khám đa khoa khu vực; 11 bệnh viện còn lại đã được đầu tư theo quy mô bệnh viện trước đây hiện đã xuống cấp; 32 bệnh viện tư nhân đã được đầu tư trước khi đi vào hoạt động. Đối với chất thải rắn, thành phố đã đầu tư lò đốt chất thải y tế cho 16 bệnh viện.

Tuy nhiên, quá trình vận hành lò đốt còn nhiều khó khăn như tiêu tốn nhiên liệu, hay hỏng thường xuyên phải bảo trì. Còn các cơ sở y tế khác ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải y tế với Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị công nghiệp 10 - Urenco 10. Ông Nguyễn Văn Dung cho rằng, giai đoạn vừa qua, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế còn hạn chế. Nhiều đơn vị không đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khu lưu giữ chất thải rắn; kinh phí cho vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; kinh phí mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường, kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn y tế khá lớn nên các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiến nghị, cần có một biên chế chuyên trách cho công tác quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện và các trung tâm y tế quận, huyện (hiện tại là cán bộ kiêm nhiệm). Đặc biệt, cần phân cấp rõ giữa Trung ương và địa phương trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xử lý chất thải y tế của các đơn vị y tế trên địa bàn để tránh chồng chéo, và tăng cường đầu tư kinh phí quản lý chất thải y tế.