Nhiều bài thi ngoại ngữ điểm kém đến mức giật mình

ANTĐ - Phổ điểm công bố của Bộ GD-ĐT tối 26-7 cho thấy, môn tiếng Anh có phổ điểm lệch hẳn về phía điểm dưới mức trung bình, với gần 50.000 bài thi chỉ được 3 điểm. Đây cũng là môn có mức điểm thấp nhất trong 8 môn thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Điều này đang khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng học tiếng Anh trong trường học hiện nay.

Nhiều bài thi ngoại ngữ điểm kém đến mức giật mình ảnh 1Thí sinh làm bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015
Ảnh: THUẦN THƯ

Quá nhiều điểm kém

Trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, nhiều giáo viên THPT đã tỏ ra lo ngại khi ngoại ngữ là 1 trong 3 môn thi bắt buộc, hơn nữa lại còn thêm phần tự luận thay vì chỉ có trắc nghiệm như mọi năm. Tuy nhiên, khó có thể tưởng tượng kết quả của môn thi này lại thấp đến vậy khi có tới 49.715 bài thi chỉ được 3 điểm, về “nhì” là lượng bài thi đạt 2,5 điểm với 49.358 bài. Đây là chưa tính tới các cụm thi do địa phương tổ chức vì nếu tính cả mức điểm của các thí sinh này thì phổ điểm còn rơi lệch nữa về phía điểm dưới trung bình.

So với các môn thi khác như Toán thì mức điểm ngoại ngữ càng cho thấy sự chênh lệch lớn. Mặc dù đứng đầu trong số các môn có nhiều điểm 0 nhưng phổ điểm môn Toán trải đều ở các mức điểm và đỉnh phổ điểm rơi vào điểm 6,5 với hơn 51.500 thí sinh đạt mức điểm này. Môn Lịch sử vốn lâu nay bị lo ngại sẽ có nhiều điểm 0 thì năm nay phổ điểm khá đẹp với số bài thi nhiều nhất rơi vào điểm 5 và trải đều từ 2 đến 8,5 điểm. “Kết quả ngoại ngữ thấp như vậy đúng là điều phải suy nghĩ” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã phải thốt lên như vậy.

Nhiều bài thi ngoại ngữ điểm kém đến mức giật mình ảnh 2

Biểu đồ Phổ điểm các bài thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Phổ điểm phản ánh đúng thực tế dạy và học

Đánh giá đề thi tiếng Anh năm nay, ông Nguyễn Phương Sửu, Phó Chủ tịch phụ trách đào tạo IIG Việt Nam, đơn vị chuyên trách về cấp chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn quốc tế, khẳng định đề thi đáp ứng yêu cầu của Bộ GD-ĐT: “Đề thi bám sát chương trình THPT nên phổ điểm như vậy phản ánh đúng chất lượng dạy và học, chứ đề thi không khó”. Cô Phương Hạnh, Trưởng bộ môn tiếng Anh của trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cũng đồng quan điểm khi cho rằng, phổ điểm tiếng Anh phản ánh rất đúng thực tế. “Với các em thi khối D và A1, đạt từ 6 - 9 điểm môn tiếng Anh không khó, nhưng tỷ lệ học sinh thi khối A, B và C lại chiếm đa phần và những em này chỉ mong qua điểm liệt vì không đầu tư cho môn tiếng Anh” - cô Phương Hạnh phân tích.

Điều đáng nói là môn tiếng Anh đang nhận được những khoản đầu tư lớn của Nhà nước thông qua đề án ngoại ngữ quốc gia. Nhận xét về những tác động của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đang được triển khai, ông Nguyễn Phương Sửu băn khoăn: “Hình như đề án 2020 chưa có tác động đến việc dạy và học ngoại ngữ ở trường phổ thông. Hơn nữa, một số cán bộ quản lý hình như chưa nghĩ đến việc nâng cao chất lượng dạy và học môn này”. Giải thích vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong lộ trình đổi mới dạy và học ngoại ngữ, chương trình môn tiếng Anh thí điểm mới chỉ áp dụng đến lớp 11. Ở các trường THPT, việc đổi mới dạy ngoại ngữ chủ yếu mới hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn trình độ tiếng nước ngoài và bước đầu áp dụng. Còn chương trình, sách giáo khoa và phương pháp đánh giá trong quá trình dạy học vẫn chưa thay đổi, do vậy chất lượng học tập chưa tiến bộ nhiều. 

Không thể có đột biến về chất lượng đối với môn ngoại ngữ là điều mà lãnh đạo Bộ GD-DT thừa nhận. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Sửu cũng cho rằng, công việc này đòi hỏi nỗ lực của cả ngành giáo dục, trong khi hiện nay chất lượng giáo viên không đồng đều, giáo viên thành phố và giáo viên vùng sâu, vùng xa trình độ rất khác nhau. Nếu mong muốn nâng cả mặt bằng lên là hơi tham vọng. Điều này cho thấy quá trình để môn ngoại ngữ đạt được phổ điểm như các môn Văn, Toán vẫn còn là con đường khá dài.