Nhiếp ảnh Việt Nam: Nhiều tiếc nuối

ANTĐ - Lâu nay, Nhiếp ảnh Việt Nam đã khẳng định vị trí đứng vững chắc và trở thành một cường quốc tại các cuộc thi do FIAP (Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế) tổ chức. Thế nhưng, năm 2012, Nhiếp ảnh Việt Nam có biểu hiện “tụt dốc” khi  xếp ở hạng 8/44 quốc gia tham dự…
Nhiếp ảnh Việt Nam: Nhiều tiếc nuối ảnh 1
Việc thường ngày


Chán chẳng buồn thi

Dẫu biết rằng, đi thi thì thắng thua là chuyện bình thường, nhưng với một cường quốc về nhiếp ảnh như Việt Nam thì việc chỉ đứng ở vị trí thứ 8/44 quốc gia lại cần phải đặt dấu hỏi. Thể loại ảnh đen trắng từ trước tới nay là thế mạnh của Nhiếp ảnh Việt Nam, “mỏ vàng” thành tích của các nghệ sỹ thì đến cuộc thi lần này đã có thành tích cực kỳ khiêm tốn. NSNA Lê Hồng Linh - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn bộ ảnh dự thi FIAP mổ xẻ nguyên nhân thất bát vàng bạc, là do anh em nghệ sỹ không mấy… mặn mà với cuộc tuyển chọn ảnh cho dù đã thông tin rộng rãi trên website chính thức của Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Vì thế, BGK đã không có nhiều lựa chọn và trong số những tác phẩm gửi dự thi để tạo nên sức mạnh tập thể cho bộ ảnh Việt Nam thì chân dung trẻ em là vượt trội hơn cả. Không còn cách nào khác, BGK đã lấy chủ đề “Niềm vui tuổi thơ” để gửi dự thi. Cách lý giải này của NSNA Lê Hồng Linh xem ra vẫn chưa phải là đã thấu đáo.

Theo NSNA Lại Diễn Đàm, “các nghệ sỹ còn rất nhiều ảnh đẹp nhưng sự định  hướng của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam trong cuộc thi này chưa tốt”. Với chủ đề “Chân dung” chung chung được đưa ra, kêu gọi sự tham gia gửi ảnh của các tác giả rồi sau đó mới lựa chọn chủ điểm của bộ ảnh thì rất khó tập hợp được hết nguồn lực của anh em nghệ sỹ. Hơn thế, trong số 10 bức của bộ ảnh tham dự thì chiếm đa số trong đó là những môtíp lặp đi lặp lại và nhìn tổng thể thì bộ ảnh khá rời rạc, không có sự xâu chuỗi. Một điều cần nói thêm, các bộ ảnh đen trắng từng đoạt giải cao của Nhiếp ảnh Việt Nam tại các cuộc thi của FIAP thường là những bộ ảnh có tính nhân văn và có dấu ấn Việt rất đậm nét. Nhưng tiếc rằng, bộ ảnh lần này chưa hội tụ được đầy đủ 2 điều này do thiếu tính nghệ thuật và thuyết phục lòng người. Vì thế, kết quả vừa đạt được đã phản ánh đúng thực chất bộ ảnh dự thi của Việt Nam và khiến anh em nghệ sỹ cảm thấy tiếc nuối khi đáng lý ra thành tích còn tốt hơn thế rất nhiều”. 

Một tác phẩm trong bộ ảnh đen trắng dự thi

Lại theo lối mòn

Cùng dự thi với bộ ảnh đen trắng, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam còn gửi 2 bộ ảnh của thanh thiếu niên U16 và U21 tham dự mong kết quả khả dĩ hơn nhưng chỉ xếp thứ 6 và thứ 3 trong tổng số các nước tham dự. Các tác giả trẻ với cái nhìn đổi mới đã làm cho bộ ảnh mang màu sắc tươi sáng và phản ánh đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách đang trên đà phát triển với những góc nhìn “lạ”. Trong khi đó, các nghệ sỹ đàn anh dường như vẫn đang loay hoay với những góc chụp cũ, đã trở nên nhàm chán và sa đà vào việc sắp xếp, dàn dựng. Sự chậm đổi mới của các nghệ sỹ nhiếp ảnh lớp trước đã khiến cho cả bộ ảnh trở nên khô cứng và ít thuyết phục người xem. Vì thế, không khó hiểu khi lớp đàn em đã vượt mặt lớp đàn anh trong cuộc thi uy tín của FIAP lần này. 

Đôi bàn tay

Việc lặp lại môtíp tại các cuộc thi trong và ngoài nước đã trở thành đề tài được bàn cãi từ lâu trong giới nhiếp ảnh nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải đáp. Tại cuộc thi này, điều đó lại một lần nữa lặp lại khi những bức ảnh vẫn cứ là những đôi bàn tay nhăn nheo che chở và ôm ấp trẻ thơ rồi chị cõng em, rồi cười… Ngay ở trong nước, người xem còn thấy nhàm, huống hồ lại còn “mang chuông đi đánh xứ người”. Câu hỏi này chỉ có các nghệ sỹ nhiếp ảnh, những người hàng ngày hàng giờ vẫn đang lặn lội tới các vùng đất xa xôi hẻo lánh tìm kiếm những khuôn hình đẹp mới có đáp án. Việc tự ý thức không đánh cắp ý tưởng của người đi trước và tìm ra cho mình một hướng đi riêng trong nghệ thuật nhiều bao nhiêu cũng chưa đủ. Chỉ có như vậy, Nhiếp ảnh Việt Nam mới có nhiều tác phẩm mang dấu ấn cá nhân và góp phần vào việc khẳng định vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam trên trường quốc tế với các tác phẩm ca ngợi đất nước, con người Việt.